Tại Hội nghị kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống khai thác IUU vì một ngành thuỷ sản xanh và phát triển bền vững, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã có những kiến nghị xoay quanh câu chuyện phân bổ nguồn lực từ trung ương đến địa phương, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách chi trả cho lực lượng kiểm ngư.
Trước những kiến nghị của Cà Mau, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư thừa nhận: “Kiểm ngư hoạt động trên biển rất vất vả nhưng chế độ chính sách còn thấp, cả kiểm ngư Trung ương và địa phương. Nếu so với lực lượng đi biển, cứ trả lương như hiện nay cũng rất khó để tuyển người".
Theo ông Hùng, lực lượng kiểm ngư những năm qua đã nhận được sự quan tâm từ Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự quan tâm. Về tổ chức biên chế, kiểm ngư trung ương cũng như kiểm ngư địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí đủ công chức, viên chức và lao động để triển khai lực lượng trên các tàu kiểm ngư.
Về chế độ chính sách Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: “Kiểm ngư là lực lượng thường xuyên hoạt động trên biển, điều kiện sóng gió rất khó khăn nhưng chế độ chính sách vẫn còn hạn chế. Rất mong trong thời gian tới có chế độ chính sách phù hợp cho lực lượng kiểm ngư trung ương và địa phương”.
Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh, những đầu tư về trang thiết bị, phương tiện cũng như trụ sở cho hoạt động của lực lượng kiểm ngư trung ương và địa phương cần đầu tư, nâng cấp để yên tâm thực thi các nhiệm vụ được giao.
“Khi thực hiện các nhiệm vụ trên biển, ngoài các trang thiết bị phương tiện, rất cần các công nghệ hiện đại để khi hoạt động trên biển đảm bảo công tác chỉ huy thông suốt, các công nghệ điện thoại vệ tinh, công nghệ giám sát bằng vệ tinh để khi hoạt động trên biển sẽ giám sát thông suốt từ trung ương đến địa phương” ông Hùng nói.
Thông tin thêm về các thiết bị giám sát, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho 6 loại phương tiện thiết bị để quá trình tuần tra trên biển có thể quay phim, chụp ảnh, là chứng cứ quan trọng trong quá trình xử phạt nguội cũng như các hoạt động vi phạm khai thác trên biển sớm được phát hiện, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết, hiện nay đối với lực lượng kiểm ngư địa phương đang gặp phải vướng mắc về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Lý do là bởi khi Luật xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2020 chưa có kiểm ngư địa phương nên chưa được quy định thẩm quyền trong luật.
Muốn giải quyết vấn đề này, thứ nhất phải sửa luật, thứ hai Quốc hội phải có nghị quyết để giao thẩm quyền cho kiểm ngư địa phương, đặc biệt là Chi cục kiểm ngư địa phương cũng như các trưởng đoàn thanh tra của kiểm ngư địa phương khi tuần tra trên biển. Đảm bảo việc xử lý vi phạm được diễn ra nhanh nhất, ngắn nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận, với vị trí vai trò rất quan trọng nhưng Cục Kiểm ngư còn gặp hạn chế về mặt pháp lý.
Cũng liên quan đến những khó khăn vướng mắc ở địa phương, Thứ trưởng Tiến chia sẻ: “10 năm có lực lượng kiểm ngư nhưng bộ máy, đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Do vậy tới đây khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của lực lượng kiểm ngư, đồng thời quy hoạch quốc gia về bảo vệ khai thác nguồn lực thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng các đề án để tăng cường cơ sở vật chất, bộ máy, đội ngũ trang thiết bị…”.
Đồng thời, đề xuất các dự án hạ tầng cho phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là trụ cột rất quan trọng để phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững.
Trong công tác IUU, sự chuyển biến tích cực của khai thác thủy sản đã có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu để EC gỡ thẻ vàng. Chúng ta đã chuẩn bị hệ thống văn bản rất đầy đủ từ Luật đến Thông tư,... tuy nhiên để có sự chuyển biến sâu rộng, căn bản cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng kiểm ngư, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt.
Hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam trên 3,8 triệu tấn. Lực lượng kiểm ngư ngoài việc đồng hành cùng bà con ngư dân trong hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017, các nghị định, thông tư để có ngành thủy sản bền vững, xanh, sâu rộng…
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/luc-luong-kiem-ngu-viet-nam-che-do-thap-kho-tuyen-nguoi-a105101.html