Kiểm ngư Việt Nam: Đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá kiểm ngư cùng các lực lượng trên biển giữ vai trò tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác.

Sáng 15/4, Hội nghị kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống khai thác IUU vì một ngành thuỷ sản xanh và phát triển bền vững đã được tổ chức. 

Báo cáo tại sự kiện, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam”. 

Sự kiện - Kiểm ngư Việt Nam: Đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn

Ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư (Bộ NN&PTNT).

Thông tin về một số kết quả nổi bật, ông Cường cho biết, dưới vai trò là cơ quan thường trực phòng chống khai thác IUU, Cục Kiểm ngư đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư ban hành các văn bản về chống khai thác IUU.

Đến nay chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo Thẻ vàng tại Việt Nam đã được nhiều kết quả tiến bộ, căn bản; các đoàn thanh tra của EC ghi nhận việc chống khai thác IUU của Việt Nam đi đúng hướng.

“Việc chống khai thác IUU đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, tích cực trong thời gian vừa qua, cả về thể chế pháp luật lẫn việc triển khai trên thực địa. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần có thêm thời gian và nguồn lực đầu tư để giải quyết. Đặc biệt là chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài, xử lý tình trạng mất kết nối VMS”, ông Cường nói. 

Sự kiện - Kiểm ngư Việt Nam: Đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn (Hình 2).

Cần chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài, xử lý tình trạng mất kết nối VMS.

Tại sự kiện, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ, hoạt động kiểm ngư góp phần trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản tại địa phương. 

“Với đặc thù của Cà Mau có cả biển Đông và biển Tây, nguồn lợi cá phong phú, lượng tàu của các tỉnh đổ về rất lớn, khoảng 5.000 tàu. Đây là áp lực chuyên môn rất lớn đối với lực lượng kiểm ngư trong việc kiểm soát ngư trường với lượng tàu khoảng từ 8.000-10.000 tàu cá mỗi năm, nhất là với những giai đoạn cao điểm”, ông Bằng nói.

Về những đề xuất trong thời gian tới, ông Bằng kiến nghị sửa đổi pháp luật, trao thẩm quyền cho chi cục trưởng chi cục kiểm ngư các tỉnh trong xử phạt vi phạm hành chính khi có điều kiện. Đồng thời, mong muốn mở rộng phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế cho chi cục kiểm ngư địa phương.

Về công tác bảo vệ nguồn lợi, ông Bằng cho biết đây là vấn đề rất nóng với nhiệm vụ rất nặng nề. Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm phạt hành chính rất khó khăn, nhiều vi phạm diễn ra trong tuyến biển, rất cần lực lượng trung ương hỗ trợ. 

Cụ thể, về ngắn hạn, Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau mong muốn được hỗ trợ trong công tác kiểm tra, xử lý. Về lâu dài, tỉnh hy vọng sẽ được hỗ trợ các chương trình mang tính chất dài hạn như bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập các khu bảo tồn biển; hỗ trợ các đề tài, đề án đẩy mạnh các mô hình nuôi biển, sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi hợp lý, đặc biệt trong khai thác thủy sản gần bờ. 

Sự kiện - Kiểm ngư Việt Nam: Đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn (Hình 3).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Lắng nghe ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: “Lực lượng kiểm ngư đóng vai trò rất quan trọng cùng các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn của bà con ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam”.  

Từ khi lực lượng kiểm ngư ra mắt đến nay, ghi nhận sự cố gắng rất lớn thể hiện trong bộ máy, đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị. Kiểm ngư cùng các lực lượng trên biển tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác, đảm bảo sản lượng khai thác mỗi năm.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của gần 1 triệu người trên biển và 4 triệu người trên bờ được đảm bảo. Đồng thời, góp phần với các lực lượng bảo vệ quyền, chủ quyền của Việt Nam trên biển, giải quyết bất ổn, cứu nạn cứu hộ,...

“Những công việc được giao đã hoàn thành nhưng phía trước đặt ra rất nhiều vấn đề đặt ra, không chỉ xóa thẻ vàng mà còn phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, giảm phát thải, xanh hóa, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ", Thứ trưởng Tiến nói.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý, gần 7 năm chưa gỡ được thẻ vàng của EC đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, vị thế quốc tế của Việt Nam. Để hội nhập sâu rộng, phát huy các hiệp ước thương mại thế hệ mới, nhất định phải tháo được thẻ vàng IUU.

Link nội dung: https://tiepthiplus.net/kiem-ngu-viet-nam-dam-bao-moi-truong-phap-ly-vung-bien-an-toan-a105149.html