Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết này từ năm 2019-2023.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, ông Trần Văn Thượng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Điện Biên cho biết nhiều nội dung hỗ trợ đã có tác động mạnh mẽ đến phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Thượng nhấn mạnh, thông qua chính sách đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, nông hộ sang liên kết phát triển sản xuất hàng hóa, thay đổi trình độ sản xuất.
“Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao trình độ, thu nhập và mức sống của người dân”, ông Thượng nói.
Nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên diện rộng như: Giống lúa Séng Cù, xoài Đài Loan, bưởi da xanh, dứa Cayen, mít Thái,... Một số sản phẩm là kết quả thực hiện hỗ trợ từ chính sách đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ngoài ra, với mục tiêu gia tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025, ông Thượng cho biết, Sở đã đẩy mạnh việc trồng rừng tập trung, phát triển cây mắc ca, cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị cũng như khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các khu vực có thể kết nối tạo vùng phát triển du lịch sinh thái, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, ngành nông nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trồng cây mắc ca. Tăng cường hỗ trợ phát triển các diện tích mắc ca do người dân tự thực hiện thông qua việc hỗ trợ từ các nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
“Ngành NN&PTNT xác định, cây mắc ca là loại cây đa mục tiêu, đa mục đích, vừa phục vụ cho công tác che phủ rừng, để người dân có thể được hưởng chi trả phí dịch vụ rừng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế nhờ thu hoạch quả”, ông Thượng chia sẻ.
Xu thế tất yếu
Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, ông Thượng khẳng định việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. “Muốn thực hiện, bắt buộc phải thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”, ông Thượng nói.
Tại Điện Biên, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao bước đầu được hình thành ứng dụng vào sản xuất ở quy mô nhỏ, một số doanh nghiệp bước đầu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao: Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào, sản xuất rau theo hệ thống thủy canh hồi lưu; công nghệ tưới tiết kiệm nước trong trồng cây ăn quả có múi; tưới nước tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt; ứng dụng chế phẩm phân hữu cơ trùn quế trồng chăm sóc cây ăn quả.
Đồng thời, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, một số ít vùng sản xuất nguyên liệu đã được chứng nhận.
Để nông nghiệp của địa phương phát triển, tăng trưởng bền vững, ông Thượng cho hay, trong giai đoạn tới, UBND tỉnh đã đưa ra tầm nhìn đến 2030 là: "Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên lợi thế địa phương. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp công nghiệp chế biến và du lịch. Phát triển nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa". Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp đến 2030, cùng với những nhiệm vụ vừa mang tính tổng thể, ngành nông nghiệp Điện Biên tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất theo hướng nâng cao nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế (lúa gạo, chè, cà phê, mắc ca...), gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ. Sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, ngô để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng cây ăn quả và trồng cây mắc ca.
Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Đồng thời, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
“Thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án liên kết, xác định vùng sản xuất tạo sản phẩm đủ lớn gắn với cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nâng cấp chuỗi liên kết hiện có”, ông Thượng nêu.
Ngoài ra, tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng. Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, cây phân tán; huy động các nguồn lực để tập trung, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, tái tạo trồng rừng thay thế từ nguồn vốn quỹ bảo vệ phát triển rừng để tăng độ che phủ rừng theo mục tiêu giai đoạn.
Song song với đó là tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/dien-bien-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-thay-doi-bo-mat-nong-thon-a105437.html