Theo Thanh niên, thông tin trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm sáng 23/4.
Theo kế hoạch được phân bổ, 2 năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư công Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng. Kế hoạch vốn được giao năm 2024 là hơn 59.000 tỷ đồng.
Song theo Bộ trưởng Thắng, nếu năm nay chỉ giải ngân số vốn này, áp lực giải ngân năm sau là khá lớn. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban QLDA, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng.
Thúc tiến độ giải ngân, người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Trước mắt, các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt 2 dự án trong tháng 5 tới đây, gồm dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và dự án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam.
Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt 6 dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách T.Ư năm 2022, gồm: tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên QL1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); nâng cấp QL24B đoạn Km23 - Km29 qua Quảng Ngãi; mở rộng cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; cầu đường sắt Cẩm Lý.
Liên quan đến công tác đầu tư hệ thống quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Ban QLDA 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nhất, từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng biểu dương các ban QLDA, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu tại hai dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt. Trong đó, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, có lúc tưởng chừng như không thể về đích nhưng nhà đầu tư, nhà thầu đã dồn toàn lực để đáp ứng, thậm chí là đưa các hạng mục về đích sớm.
"Tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, cách đây khoảng 10 ngày, mọi thứ cũng còn rất ngổn ngang, việc thông xe dịp 30/4 còn chưa ai dám nghĩ đến. Nhưng các nhà thầu đã bổ sung nhân lực, máy móc, thiết bị hỗ trợ hoàn thành khối lượng của các nhà thầu khác “đuối” năng lực", Bộ trưởng Thắng nêu.
Theo , cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Đầu tư Xây dựng 194.
Sau khi khánh thành, tuyến cao tốc sẽ đưa vào vận hành, giúp người dân từ TP.HCM đi Nha Trang chỉ còn 5 giờ.
Trước đó, đoàn công tác của Hội đồng thẩm định Nhà nước đã đi kiểm tra tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác.
Tại buổi kết luận nghiệm thu, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định độc lập, cơ quan thường trực hội đồng... đều đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư, đề nghị Hội đồng nghiệm thu chấp thuận, đưa dự án vào khai thác vận hành.
Ước tính đến hết tháng 4, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết trong tháng 4 dự kiến khởi công 8 dự án, hoàn thành 4 dự án. Đến nay, 8 dự án đã được khởi công, 3 dự án được hoàn thành.
KHÁNH LINH (t/h)
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/thong-xe-cao-toc-dien-chau-bai-vot-va-cam-lam-vinh-hao-vao-284-a105617.html