Chiều 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, Việt Nam có các điều kiện và nền tảng để thực hiện việc này, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong và được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn, tại hội nghị đại diện của các trường cũng đóng góp những ý kiến về cơ hội và thách thức khi chuẩn bị nguồn lực mới.
Với nhiều năm kinh nghiệm là trường đào tạo hàng ngàn sinh viên nhóm ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM nhận thấy có 5 thách thức trong quá trình đào tạo nhân lực vi mạch.
“Hiện nay các em sinh viên vẫn còn mơ hồ về ngành thiết kế vi mạch nói riêng và công nghệ bán dẫn. Thứ hai là đội ngũ đảm nhận, ngay cả Đại học Quốc gia quy mô lớn như vậy nhưng tốt nghiệp chuyên ngành về bán dẫn là tiến sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Hải Quân phát biểu.
Cùng với đó là các trường gặp thách thức khi chương trình đào tạo mới và thay đổi liên tục, đối với những nội dung thực tế cần tìm chỗ thực tập cho sinh viên giúp các em được thực hành, trang bị kinh nghiêm thực tiễn mới có thể bắt tay vào làm việc. Cuối cùng là khó khăn liên quan đến các các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đưa ra các sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, trình bày tại hội nghị, ông Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định về đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, có hai hướng. Một là đào tại ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này. Hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.
Trước hướng đi đó, ông Sơn đưa ra 3 nhóm giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành này.
Theo đó, đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng. “Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia, nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi bởi phải gắn với các chương trình nghiên cứu, gắn với chương trình đào tạo dài hạn”, ông Phạm Bảo Sơn kiến nghị
Ngoài ra, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia xây dựng hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cuối cùng là thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.
Tham gia góp kiến, ông Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng để có nhân lực chất lượng cao thì quá trình đào tạo học viên, giảng viên rất cần thiết.
Trong thực tế, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một đề án thu hút nguồn nhân lực cao ở tất cả các lĩnh vực.
“Dự kiến, đến năm 2030, chúng tôi sẽ quyết liệt thu hút nhân tài để trở thành giảng viên, nhà trường đã có cơ chế riêng để thu hút đội ngũ này. Vừa qua, chúng tôi đã tuyển dụng được 2-3 phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Đây cũng là giải pháp để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay. Họ sẽ là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, chủ lực chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo lại nguồn giảng viên”, ông Thắng bày tỏ.
Đối với việc thu hút sinh viên giỏi, theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải có sân chơi và đầu ra cho các em, tức là các em phải có sản phẩm của chính mình để đưa vào thực tế.
“Thu hút sinh viên giỏi là đầu vào thì còn đầu ra đi đâu? Vì vậy, chúng ta cần phải có những thiết kế, sản phẩm của các em sinh viên trong các trung đổi mới sáng tạo để những sản phẩm mới có thể phát triển thành những hệ thống thông minh, những hạ tầng thông minh, từ đó có thể hình thành các doanh nghiệp”, ông Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Phát triển công nghiệp bán dẫn là chủ chốt, mũi nhọn, nhưng kèm theo đó là cả một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ đi cùng, thông qua đây vừa tạo cơ hội cho các em sáng tạo các sản phẩm, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các doanh nghiệp. Đây cũng là định hướng chúng ta cần phải suy nghĩ.
Ông Huỳnh Quyết Thắng cũng cho rằng đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn, vì vậy tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Cuối cùng, thị trường là vấn đề rất quan trọng, cần tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn.
“Muốn có thị trường đó thì cần phải có sự chung sức của các doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao”, ông Thắng nêu ý kiến góp ý.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/tim-huong-di-cho-dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-tai-viet-nam-a105685.html