Ngày 26/4 tới, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và thiên nhiên thế giới.
Đây là dịp nhằm tôn vinh, quảng bá và lan toả các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của danh thắng Tràng An trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.
Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ
Sau 1 thập kỷ trở thành Di sản Văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tràng An đã được UNESCO đánh giá là hình mẫu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, trở thành biểu tượng, nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế-xã hội, khơi nguồn nhiệt huyết, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của các thế hệ người dân tỉnh Ninh Bình.
Sau khi Tràng An được vinh danh, tỉnh Ninh Bình xác định, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản này là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Ninh Bình đã quán triệt và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả theo các quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về quy định quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch quản lý di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững, đặc biệt là các quy định, quy chế quản lý di sản, từ việc ban hành quy định tạm thời ngay khi Quần thể danh thắng Tràng An (1/2015), đến ban hành quy chế quản lý, bảo vệ di sản năm 2018.
Các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới. Đây là những giải pháp, hành động cụ thể, là cam kết mạnh mẽ của Ninh Bình nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Mô hình mẫu mực trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vữngTại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, được tổ chức tại Ninh Bình năm 2022, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đã đánh giá: "Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh ngiệp".
Sinh kế truyền thống của người dân được duy trì, cũng như các sinh kế mới từ các hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn di sản. Theo ước tính, số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương được nâng cao rõ rệt qua từng năm. Khu di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình.
Tính từ thời điểm lập hồ sơ để cử danh hiệu di sản vào năm 2012, Ninh Bình chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, tỉnh đã đón hơn 7,65 triệu lượt. Lượng khách giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm, trong đó, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010.
Trong các năm 2020-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng Ninh Bình tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín (như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider...) đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Năm 2022, du lịch Ninh Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ, toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, Ninh Bình đón 6,6 triệu lượt khách (trong đó Quần thể danh thắng Tràng An chiếm khoảng 70% tổng lượt khách), doanh thu gần 6.500 tỷ đồng.
Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Những kết quả này đã góp phần quan trọng đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng.
Sau 32 năm tái lập tỉnh, bằng ý chí và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Từ năm 2022 trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, vươn lên thành địa phương có thu nhân bình quân đầu người đứng thứ 12 cả nước; trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại của đất nước; trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, coi trọng phát huy nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển bền vững. Giữ vững địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh. Hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Là điểm đến an toàn, tạo được niềm tin của du khách và các nhà đầu tư.
'Trái tim' của 'Đô thị di sản thiên niên kỷ'Một thập niên được ghi danh là di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, đưa Ninh Bình phát triển bền vững. Đến nay, danh thắng Tràng An đã có thêm sứ mệnh mới: Trở thành "trái tim" của "Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai.
Trước tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá và thách thức của biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề xã hội khác, Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh, giá trị nổi trội, riêng có của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục kiên định phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa". Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương. Cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế.
Phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Quyết tâm nỗ lực xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo…
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Coi trọng phát triển văn hóa, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa và thiên nhiên.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo, trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng Sông Hồng. Trong đó, tập trung quy hoạch, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử Cố đô Hoa Lư; xây dựng các thiết chế văn hóa lớn, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án quan trọng liên quan; ban hành các chính sách riêng cho bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử, di tích.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di sản để giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát huy các giá trị của di sản, thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Người dân-Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp.
Xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của phát triển bền vững; nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ di sản, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, phát triển đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập tốt cho cộng đồng sống trong khu di sản.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối nội bộ giữa các khu, điểm du lịch với nhau và với các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.
Chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế, hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ; thúc đẩy hợp tác với các tổ chức văn hóa quốc tế, với UNESCO trong phát huy giá trị toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An. Quảng bá mạnh mẽ giá trị, hình ảnh văn hóa-con người-thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào.
Diệp Anh
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/quan-the-danh-thang-trang-an-hanh-trinh-10-nam-ghi-danh-di-san-the-gioi-a105726.html