Quý I/2024, doanh thu của Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đạt 647,2 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng tương ứng tăng 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng nhẹ, trong khi doanh thu tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ (14,3 tỷ đồng so với 7,4 tỷ đồng), tuy vậy lợi nhuận thuần thấp đến kinh ngạc, chỉ vỏn vẹn 398,7 triệu đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ.
Lý do là chi phí tài chính tăng 61,7% so với cùng kỳ, lên mức 22 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng gần 40% (24,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp thủy sản này ghi nhận lãi ròng 423,3 triệu đồng, giảm 95,1% so với quý I/2023.
Các chi phí tăng mạnh thổi bay gần hết lợi nhuận ông lớn thủy sản tại Đà Nẵng |
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 vừa qua, Thuận Phước đặt mục tiêu doanh thu dao động từ 2.460 – 2.960 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 12,7 – 20 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh quý I, Công ty mới hoàn hành hơn 20% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 3% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm.
Năm 2023, ông lớn xuất khẩu thủy sản này đạt doanh thu 2.908 tỷ đồng, cao hơn 26,43% so với kế hoạch năm. Công ty nhận định thị trường năm 2024 sẽ khó khăn do tình hình quốc tế nhiều biến động ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái là hiện hữu. Do đó, Công ty đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh khá thận trọng.
Dòng tiền kinh doanh trong kỳ ở mức 126,8 tỷ đồng, cao gấp 6,1 lần cùng kỳ tuy nhiên lưu chuyển tiền thuần trong kì vẫn tụt xuống âm 47,1 tỷ đồng (cùng kỳ dương 11,5 tỷ đồng). Lý do, trong quý I/2024 Công ty vay thêm 523,8 tỷ đồng nhưng tiền trả nợ gốc vay lên đến 697,9 tỷ đồng, dẫn đến dòng tiền tài chính bị âm 174 tỷ đồng.
Quy mô tài sản Công ty ‘bốc hơi’ gần 200 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, về còn 1.335 tỷ đồng do tài sản ngắn hạn giảm mạnh. Trong đó, tiền mặt giảm 78,8%, các khoản phải thu và hàng tồn kho cũng giảm mạnh. Trong cơ cấu vốn, nợ phải trả cũng giảm hơn 180 tỷ đồng, xuống còn 991 tỷ đồng, gồm đa số là nợ trong ngắn hạn. Số nợ này tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn đang cao gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ở mức 741,7 tỷ đồng, chiếm 74,8% tổng số nợ của Công ty.
Thành lập năm 1987 với tiền thân là Xí nghiệp đông lạnh 32 và cổ phần hóa vào năm 2007, Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một trong những doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản đông lạnh. Những năm gần đây, doanh nghiệp này luôn nằm trong top 10 xuất khẩu thủy sản và trong top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, giải quyết nhiều công ăn việc làm và đóng góp ngân sách tích cực cho TP Đà Nẵng.
Cổ phiếu THP giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM vào ngày 18/11/2019 với khối lượng đăng ký giao dịch lần đầu là 7,2 triệu cổ phiếu. Tháng 5/2020, Công ty tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, ở mức 216 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.
Điểm dễ nhận thấy ở ông lớn thủy sản này trong giai đoạn vừa qua là Công ty luôn tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư và quỹ khen thưởng, phúc lợi trong khi tỷ lệ chia cổ tức duy trì ở mức thấp. Đơn cử trong phân phối lợi nhuận 2023, Công ty dành 25,5% lợi nhuận để trích lập quỹ đầu tư phát triển. Năm 2024, doanh nghiệp này cũng chốt trích 24,5 – 32,66 lợi nhuận cho quỹ đầu tư. Tỷ lệ chia cổ tức 1 – 3% vốn điều lệ.
Thuận Phước (THP) muốn vay Vietcombank thêm 650 tỷ đồng Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) vừa thông qua phương án vay 650 tỷ đồng tại Vietcombank Đà Nẵng ... |
Thủy sản Thuận Phước chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 100% KTCKVN - CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCOM - Mã chứng khoán: THP) cho biết sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ ... |
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/thuy-san-va-thuong-mai-thuan-phuoc-bat-ngo-giam-lai-95-du-doanh-thu-tang-hang-tram-ty-a105793.html