Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt tại Hà Nội vào ngày 24/4.
Bổ sung mảnh ghép còn thiếu trong mô hình tổ chức đại học đa ngành
Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Lê Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết quyết định chuyển đổi mô hình và tổ chức lại Khoa Các khoa học liên ngành thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là một trong những sự kiện nổi bật, góp phần hoàn thiện mô hình đại học đa ngành - đa lĩnh vực, đánh dấu chặng đường ba mươi năm phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội.
"Trong hơn ba mươi năm qua, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập vào năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xứng đáng với vị trí làm nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và đang trên lộ trình hướng tới trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới.
Trong quá trình phát triển đó, mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ đã từng bước khẳng định được tính đúng đắn và vị thế của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Cho đến thời điểm hiện tại, ĐH Quốc gia Hà Nội đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 37 đơn vị trong đó có 21 đơn vị đào tạo, triển khai hơn 500 chương trình đào tạo với quy mô khoảng 60.000 người học.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho hay, ý tưởng về một trường nghệ thuật trong hệ thống đã được hình thành từ khá sớm nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Vì thế, việc chuyển đổi từ Khoa thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức và triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật là một trong những chủ trương nhằm hiện thực hóa quyết tâm đó, bổ sung một mảnh ghép còn thiếu trong mô hình tổ chức đại học đa ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức đặt ra đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù đã có sự tồn tại của hệ thống các trường đào tạo về nghệ thuật trên phạm vi cả nước, tuy nhiên hầu hết các trường này đều đào tạo theo mô hình trường đào tạo nghệ thuật chuyên ngành truyền thống, chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và kiến thức đa dạng của nguồn nhân lực trong phát triển công nghiệp văn hóa hiện đại.
Trong khi đó, thực tiễn của các hoạt động đào tạo về nghệ thuật trên thế giới hiện nay cho thấy giáo dục nghệ thuật hiện đại ngày càng tiếp cận theo mô hình liên ngành, đa dạng, linh hoạt theo định hướng công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra một thế hệ các nghệ sĩ vừa có năng lực sáng tạo vừa có khả năng phát triển sản phẩm và thương mại hóa.
Vì thế, theo GS. TS Lê Quân, việc xây dựng một trường đào tạo về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nằm trong hệ thống đa ngành đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội chẳng những có thể phát huy được lợi thế liên ngành trong hoạt động đào tạo; đồng thời cũng đưa ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành một đơn vị đào tạo về nghệ thuật tiên phong ở Việt Nam theo quan điểm tiếp cận liên ngành.
Lấy cảm hứng phát triển từ Trường Mỹ thuật Đông Dương
PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho biết: "Việc chuyển đổi mô hình và tổ chức lại Khoa Các khoa học liên ngành thành nhà trường là sự phát triển khoa học, khách quan và tất yếu. Hành trình đó có sự tham gia của nhiều nhân tố, trong đó, nỗ lực và tinh thần đổi mới sáng tạo của đơn vị đóng vai trò trung tâm".
Trường được ra đời trên nền tảng của Khoa Sau đại học (thành lập vào năm 2002) và Khoa Các khoa học liên ngành (thành lập vào năm 2017). Đây là các tổ chức tiền thân được Đại học Quốc gia Hà Nội giao phó thực hiện các sứ mệnh mang tính đột phá trong nhiều thời kỳ đào tạo.
Trong những năm qua, sự phát triển nhanh chóng của Khoa Các khoa học liên ngành được thể hiện rõ nét trên các khía cạnh về số lượng chương trình đào tạo, quy mô đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên và các kết quả ứng dụng nghiên cứu khoa học. Từ đó, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc giải quyết các vấn đề ngày càng đa dạng và phức tạp của xã hội.
Xét từ khía cạnh thực tế, sự ra đời của nhà trường còn khởi nguồn từ xu thế phát triển của nền kinh tế sáng tạo và các lĩnh vực công nghiệp văn hóa trên thế giới hiện nay. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chính sách quan trọng, khẳng định vị trí và vai trò của sáng tạo, nghệ thuật trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phù hợp để phát triển đất nước.
Với khẩu hiệu "kiến tạo tương lai bằng tri thức liên ngành", Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật hiện đang triển khai nhiều ngành học đón đầu xu thế ở bậc đại học như: Quản trị thương hiệu; quản lý giải trí và sự kiện; quản trị đô thị thông minh và bền vững; quản trị tài nguyên di sản; thiết kế sáng tạo với các chuyên ngành về thời trang và sáng tạo, đồ họa công nghệ số, thiết kế nội thất bền vững.
Dự kiến, từ năm 2024, nhà trường sẽ tuyển sinh thêm các ngành: kiến trúc và thiết kế cảnh quan; nghệ thuật thị giác với các chuyên ngành về nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật tạo hình đương đại.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu, sự ra đời của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được truyền cảm hứng đáng kể từ những di sản giá trị mà Trường Mỹ thuật Đông Dương (Đại học Đông Dương) để lại. Đại học Đông Dương cũng chính là tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xuất hiện sau đúng 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã tìm thấy sự đồng điệu này thông qua triết lý giáo dục nghệ thuật cũng như mô hình đào tạo liên ngành. Đây là cơ sở quan trọng, minh chứng cho sự kết nối thiêng liêng giữa truyền thống giáo dục nghệ thuật khai phóng và liên ngành của ĐH Quốc gia Hà Nội từ xưa đến nay.
Phương Liên
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/chinh-thuc-ra-mat-truong-khoa-hoc-lien-nganh-va-nghe-thuat-dhqghn-a105840.html