Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã trưng bày những mẫu xe mới nhất của họ tại triển lãm Auto China, khai mạc ở Bắc Kinh ngày 25/4. Họ đã nhận được hỗ trợ hào phóng từ chính phủ trong nhiều năm, với một số đang phát triển nhanh chóng để trở thành doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Ví dụ, BYD hiện đang cạnh tranh với Tesla để giành vị trí dẫn đầu thị trường xe điện.
Nhưng hơn 200 nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng dư cung quá mức và các chuyên gia dự đoán nhiều công ty nhỏ sẽ không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Thậm chí, chính các quan chức Trung Quốc cũng quan ngại về tình hình trong vài tháng tới. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước, ngày 22/4 cho biết: “Cạnh tranh trong ngành công nghiệp xe năng lượng mới (NEV) sẽ cực kỳ khốc liệt trong năm 2024”.
Theo thống kê của Hiệp hội xe Trung Quốc, hơn một chục nhà sản xuất ô tô đã biến mất khỏi thị trường vào năm ngoái. Chúng bao gồm các thương hiệu xe điện phổ biến một thời như WM Motor, Byton, Aiways và Levdeo.
Một số nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới cũng đã phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh hoặc ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Vào tháng 10/2023, Mitsubishi Motors tuyên bố sẽ chấm dứt sản xuất ô tô tại liên doanh ở Trung Quốc. Honda, Hyundai và Ford cũng thực hiện các bước, bao gồm sa thải nhân viên và bán nhà máy, để cắt giảm chi phí.
Lãnh đạo bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei – ông Richard Yu vào tháng 6/2023 dự đoán Trung Quốc đến năm 2030 có thể chỉ còn 5 hãng xe điện lớn.
Từ cuộc chiến giá cả tàn khốc đến doanh số bán hàng chậm lại, nhiều thách thức đang diễn ra ở Trung Quốc.
Cuộc chiến về giá bắt đầu vào tháng 10/2022, khi Tesla giảm giá xe Model 3 và Model Y tại Trung Quốc tới 9%. Ba tháng sau, họ lại giảm giá tiếp, gây ra làn sóng giảm giá nhấn chìm ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc năm 2023, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô chạy bằng xăng.
Áp lực càng trở nên mãnh liệt hơn. Trong tuần này, Tesla một lần nữa giảm 14.000 nhân dân tệ giá khởi điểm của bốn mẫu xe được bán ở Trung Quốc đại lục, thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng. Xpeng và Li Auto của Trung Quốc, ngay lập tức có động thái tương tự, đưa ra những mức giảm giá mạnh hoặc trợ cấp tiền để thu hút người mua.
Việc giảm giá đã làm giảm lợi nhuận. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), vào năm 2023, tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành ô tô Trung Quốc giảm xuống 5%, mức thấp nhất trong một thập niên.
Tình trạng quá tải là một vấn đề lớn khác đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. NDRC dự kiến sẽ có hơn 110 mẫu xe NEV mới được tung ra thị trường trong năm nay. Theo NDRC, trong năm 2024, chỉ riêng BYD, Aito và Li Auto đang có kế hoạch tăng lượng giao hàng thêm 2,3 triệu xe. Nhưng tổng nhu cầu thị trường dự báo chỉ tăng 2,1 triệu chiếc. “Thị trường sẽ ở trong tình trạng dư cung trong một thời gian dài”, NDRC dự đoán.
Và hiện nay, ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này. Vào tháng 3, Xiaomi, đã ra mắt mẫu xe điện SU7 sedan. CEO Lei Jun cho biết ông muốn cạnh tranh với Tesla và Porsche bằng chiếc xe cao cấp mới có giá khởi điểm chỉ 215.900 nhân dân tệ (29.794 USD).
Tháng 11/2023, Meizu, một nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, tuyên bố sẽ hợp tác với Geely Auto và ra mắt chiếc xe điện đầu tiên, Meizu DreamCar MX, vào năm 2024. Cùng tháng đó, Huawei ra mắt Luxeed S7, được đồng phát triển với Chery Auto nhằm cạnh tranh với Model S của Tesla.
CAAM dự báo tổng doanh số ô tô của cả Trung Quốc sẽ vào khoảng 26,8 triệu xe năm 2024. Tuy nhiên, tổng mục tiêu doanh số của các nhà sản xuất lớn cho đến nay đã đạt gần 30 triệu chiếc. Nguồn cung dư thừa đó có nghĩa là các công ty cần tăng tốc độ bán hàng, bao gồm cả việc thúc đẩy xuất khẩu. Nếu thất bại, họ có thể gặp vấn đề về dòng tiền và rơi vào khủng hoảng.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/cuoc-chien-sinh-ton-tren-thi-truong-xe-dien-trung-quoc-a105906.html