Sở Y tế Thừa Thiên Huế mới đây thông tin từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận 196 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm 2023.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông thông tin, từ ngày 1/1 đến hết ngày 1/5, toàn tỉnh đã ghi nhận 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Trong khi đó, theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 4 ca so với tuần trước đó), không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 603 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Thời tiết nóng ẩm thất thường là điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi, mang virus gây bệnh Zika, Chikungunya, sốt rét và sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên chủ quan, lơ là và cần tuân thủ các biện pháp khuyến cáo phòng chống dịch bệnh từ Bộ Y tế.
Trước thắc mắc bị sốt xuất huyết có cạo gió, xông hơi được hay không? thông tin với Người Đưa Tin, BS.Trương Hữu Khanh- Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho hay, sốt xuất huyết là một loại siêu vi thông qua đường muỗi đốt, đi qua đường máu nên không thể giải quyết bằng cạo gió, xông hơi.
Theo BS.Khanh, người bị sốt xuất huyết tuyệt đối không thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi.
“Lý do là sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu nếu cạo gió. Do đó, phải xác định không bị sốt xuất huyết thì mới thực hiện các biện pháp giải cảm thông thường”, BS.Khanh nói.
Cũng theo chuyên gia y tế, nếu người dân có biểu hiện tự nhiên sốt cao thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết trước khi thực hiện các biện pháp giải cảm theo dân gian.
Cùng với đó, cần theo dõi thời gian sốt, nếu sốt quá 48 giờ cần phải đi đến bệnh viện, xét nghiệm máu để biết bệnh gì, mức độ nặng hay nhẹ. Nếu sau 48 tiếng thấy nôn nhiều thì cần phải đến bệnh viện thăm khám và xử trí gấp.
"Thêm nữa, đừng nghĩ xuất huyết mới là bị sốt xuất huyết, có thể sốt liên tục mà chưa có xuất huyết. Quá 48 giờ là phải đi khám, xét nghiệm máu",BS.Khanh cho hay.
Trả lời câu hỏi về lý do người lớn mắc sốt xuất huyết thường nặng hơn trẻ em, BS.Khanh cho rằng người lớn mắc sốt xuất huyết khi đến bệnh viện thường nặng hơn trẻ em bởi người lớn khi sốt hay chủ quan, cho rằng sốt thông thường thì uống thuốc tự hết. Nên khi đến bệnh viện thường thì bệnh đã quá nặng.
“Tỉ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. Do đó, không nên chủ quan rằng người lớn không bị muỗi đốt, không bị sốt xuất huyết”, BS.Khanh nói.
BS.Khanh cũng đưa ra lời khuyên người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/chuyen-gia-y-te-bi-sot-xuat-huyet-tuyet-doi-khong-cao-gio-a106372.html