Vừa qua, câu chuyện một cuốn sách có nội dung nhạy cảm được nhà trường phát cho học sinh đọc đã gây chú ý, nhiều câu hỏi đặt ra cần có sự kiểm soát và quy trình lựa chọn các nội dung đọc thêm này như thế nào để không bị lọt “sạn” trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018 hiện nay?
Về nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, cần có những hướng dẫn, quy trình cụ thể trong việc lựa chọn các nội dung sách đọc thêm được sử dụng trong các trường học.
“Đây không phải câu chuyện một cuốn sách hay một bài giảng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn thì có rất nhiều câu chuyện tương tự diễn ra, những nội dung liên quan đến chính trị, văn hoá, đạo đức, tôn giáo không phù hợp mà học sinh vẫn tiếp cận”, ông Phạm Hiệp cho hay.
Theo chuyên gia, cần có nguyên tắc, thông qua hội đồng học thuật của nhà trường, nên có ban phát triển chương trình ở bậc phổ thông và cần có đội ngũ giáo viên đủ chuyên môn về đào tạo để lựa chọn những nội dung đúng với lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh. Những yêu cầu này được thực hiện cả ở khối công lập và ngoài công lập, khi hiện nay các trường được chủ động hơn trong việc lựa chọn các học liệu sử dụng trong cơ sở giáo dục.
“Nếu có quy trình chọn lựa chọn chúng ta sẽ không mất thời gian tranh cãi tài liệu này là phù hợp hay không phù hợp, có “sạn” hay không, với những nội dung liên quan đến giáo dục giới tính cần có sự thảo luận với ban đại diện phụ huynh từ trước”, TS. Phạm Hiệp chia sẻ.
Về quan điểm nhà trường cần có trách nhiệm với những nội dung không phù hợp được giảng dạy, trao đổi với Người Đưa Tin - một thành viên biên soạn Chương trình GDPT 2018 chia sẻ: “Với những nội dung, sản phẩm được sử dụng trong cơ sở giáo dục thì nhà trường phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Đối với các nội dung trong sách đó nếu đã được một nhà xuất bản của Việt Nam xuất bản thì có thể yêu cầu nhà xuất bản đó giải trình, chắc chắn nếu có thông tin không đúng, nội dung không phù hợp thì sẽ bị thu hồi”.
Người này cũng cho rằng, theo nguyên tắc nhà trường không thể giới thiệu với cuốn sách không phù hợp với học sinh.
Với Chương trình GDPT 2018 nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu, không phải là nguồn kiến thức duy nhất để tổ chức hoạt động dạy học, dạy học theo nội dung.
Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức).
Ngoài học theo nội dung, yêu cầu của Chương trình GDPT, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn sẽ định hướng và cho phép học sinh lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.
Chương trình mở đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.
Có một số môn học mới đòi hỏi giáo viên (có năng lực chuyên môn phù hợp) tham gia dạy học; có một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật; có những yêu cầu về vận dụng kiến thức vào thực tiễn tại địa phương đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong SGK (chung cho toàn quốc).
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/nha-truong-phai-chiu-trach-nhiem-voi-noi-dung-giang-day-cho-hoc-sinh-a106506.html