Tăng cường kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật

(Chinhphu.vn) - Theo kết quả điều tra ban đầu của một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong năm nay, nguyên nhân gây ngộ độc phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và nhập viện điều trị. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân ngộ độc, phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm trên thuộc lĩnh vực phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp thực hiện tăng cường kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Đồng thời chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Song song đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm.

Tăng cường tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu; hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Được biết, ngày 21/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. 

Các bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ngăn ngộ độc

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố....

Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

HM


Link nội dung: https://tiepthiplus.net/tang-cuong-kiem-soat-thuc-pham-co-nguon-goc-tu-dong-vat-thuc-vat-a109547.html