5 thiết bị cần rút phích cắm tránh tốn tiền điện

Nhiều thiết bị như TV, máy tính, bình nóng lạnh dù đã tắt vẫn tiêu thụ điện ở chế độ chờ, về lâu dài ảnh hưởng không nhỏ tới hóa đơn của gia đình bạn.

Khi ở chế độ chờ (standby), thiết bị điện không thực sự tắt mà chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng, cho phép người dùng khởi động lại nhanh chóng khi cần. Chính vì thế có những thiết bị ở chế độ chờ chủ động có thể tốn điện gấp 5 đến 10 lần so với chế độ chờ thụ động.

Trên toàn cầu, mức tiêu thụ điện chờ chiếm 2% tổng mức tiêu thụ điện và 1% lượng khí thải CO2. Một thống kê khác cũng cho thấy trung bình một hộ gia đình ở Anh tiết kiệm được 147 bảng (4,7 triệu đồng) một năm bằng cách loại bỏ điện ở chế độ chờ. Bộ Năng lượng Mỹ cũng khuyến cáo việc rút phích cắm các thiết bị này có thể giúp một hộ gia đình tiết kiệm trung bình 100 USD mỗi năm.

TV tắt bằng điều khiển vẫn tiêu tốn điện. Ảnh: Goodhousekeeping

TV tắt bằng điều khiển vẫn tiêu tốn điện. Ảnh: Goodhousekeeping

Dưới đây là các thiết bị nên rút phích cắm khi không sử dụng theo khuyến cáo của chuyên gia.

TV

Hầu hết các nhà sản xuất TV hiện nay không đặt trạng thái tắt hoàn toàn để khi bật sẽ khởi động nhanh hơn. Có nghĩa dù bạn tắt bằng điều khiển, TV vẫn chạy ở công suất thấp.

Một số nghiên cứu của EcoCostSavings đã điều tra lượng năng lượng mà TV sử dụng ở chế độ chờ dao động từ 2,25% đến 5% năng lượng được sử dụng khi đang bật. Mức tiêu thụ điện chính xác thay đổi tùy theo kiểu máy và nhà sản xuất, nhưng thường được liệt kê trong thông số kỹ thuật sản phẩm nên bạn có thể xem xét.

Máy hút mùi

Mặc dù mức tiêu thụ điện năng ở chế độ chờ của máy hút mùi tương đối nhỏ nhưng nó là thiết bị sử dụng trong thời gian rất ngắn mỗi ngày, nhiều nhà thậm chí không dùng nhưng vẫn cắm điện. Mức tiêu thụ năng lượng tích lũy sẽ đáng kể theo thời gian.

Ngoài ra, khi để máy hút mùi ít sử dụng mà cắm điện trong thời gian dài có thể trở thành mối nguy tiềm ẩn.

Điều hòa nhiệt độ

Không rút phích cắm máy điều hòa có thể dẫn đến hai vấn đề: lãng phí năng lượng và nguy hiểm. Đầu tiên, không tắt nguồn điều hòa vẫn sẽ tiêu thụ một lượng điện tương đương với một bóng đèn 15 watt. Đặc biệt khi chúng ta chỉ sử dụng điều hòa vài tháng mùa hè, nên việc vẫn ở chế độ chờ gây lãng phí không cần thiết.

Thứ hai, nếu bạn không rút phích cắm điều hòa có thể xảy ra rủi ro về an toàn. Khi sấm sét hoặc lưới điện gặp sự cố, côn trùng bò vào có thể gây chập điện, cháy nổ.

Gạt công tắc các thiết bị điện khi không sử dụng để tiết kiệm điện ở chế độ chờ. Ảnh: Goodhousekeeping

Gạt công tắc các thiết bị điện khi không sử dụng để tiết kiệm điện ở chế độ chờ. Ảnh: Goodhousekeeping

Loa thông minh và các thiết bị nhà thông minh

Khi nói đến việc tiết kiệm năng lượng, điều quan trọng là phải phân biệt giữa các thiết bị có tính năng tiết kiệm năng lượng thông minh và các thiết bị có tính năng thông minh khác (có thể điều khiển bằng giọng nói hoặc điện thoại).

"Những tính năng thông minh khác này có thể giúp thiết bị thuận tiện hơn khi sử dụng nhưng chưa chắc đã giúp bạn tiết kiệm năng lượng", Brian Horne, trưởng nhóm kiến thức kỹ thuật tại Energy Saving Trust (Anh) cho biết.

Giới hạn công suất chờ thông thường không áp dụng cho các thiết bị này, do đó thiết bị thông minh có thể sử dụng lượng điện gấp nhiều lần ở chế độ chờ so với thiết bị không thông minh tương đương.

Brian lưu ý trong một ngôi nhà thông thường ở Anh, việc để các thiết bị ở chế độ chờ có thể làm tăng thêm khoảng 52 bảng một năm vào hóa đơn tiền điện thông thường của hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn sử dụng nhiều thiết bị được kết nối, chẳng hạn như đèn thông minh và loa thông minh thì số tiền này có thể còn nhiều hơn nữa.

Bộ sạc

Tất cả chúng ta đều mắc lỗi này - điện thoại, máy tính bảng, laptop... sạc xong mà không rút ổ cắm ra hoặc cắm sạc qua đêm. Thông thường, các thiết bị này mất 1-3 giờ để sạc nên việc cắm điện trong 7-9 giờ mỗi đêm thực sự lãng phí năng lượng và nguy hiểm.

Bảo Nhiên (Theo Goodhousekeeping)

Link nội dung: https://tiepthiplus.net/5-thiet-bi-can-rut-phich-cam-tranh-ton-tien-dien-a115378.html