Xuất hiện rắn độc bò vào nhà
Mùa mưa lũ không chỉ gây ra ngập úng, thiệt hại về tài sản và nông sản, mà còn là thời điểm sinh sôi của nhiều loài rắn độc, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Văn Tùng ở Cao Bằng cho biết mấy ngày nay tại địa phương mưa kéo dài, nên xuất hiện rắn bò vào nhà.
"Khi tôi đang nghỉ ngơi trên giường thì phát hiện có cái gì đó trườn qua đầu, tôi giật mình và hất ra. Sau đó mới biết là rắn", anh Tùng chia sẻ.
Một trường hợp khác tại Tuyên Quang, chị Phạm Thị Nga cho biết: "Hôm trước khi mọi người đang ăn cơm ở phòng khách thì một con rắn bò vào, may bố tôi phát hiện và xử lý kịp thời. Mấy hôm trước nữa cũng thấy một con rắn nhỏ ở nhà tắm, cả nhà đều rất hoang mang".
Không được phát hiện kịp thời như các trường hợp trên, tại một khu vực nông thôn ở Yên Bái, một cháu bé 6 tuổi đã bị rắn độc cắn vào tay. May mắn, gia đình đưa cháu đến bệnh viện kịp thời và cháu không xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Theo Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị rắn cắn.
Nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm hiện tại đang vào mùa rắn hoạt động mạnh, thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt… Nếu không may bị rắn độc cắn có thể gây tử vong, thường là suy hô hấp do liệt cơ. Các loại rắn gây liệt thường là rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, một số trường hợp là rắn hổ mang, rắn biển…
Nọc độc của rắn từ vị trí cắn về tuần hoàn hệ thống chủ yếu theo con đường bạch huyết. Liệt cơ thường xuất hiện trong vòng một đến vài giờ sau khi bị cắn. Một số trường hợp vết cắn vào tĩnh mạch liệt rất nhanh ngay sau khi bị cắn. Bệnh nhân có thể bị liệt cơ, suy hô hấp và tử vong trên đường vận chuyển tới cơ sở y tế.
Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng tránh rắn độc cắn và biết cách sơ cứu kịp thời là vô cùng quan trọng.
Sơ cứu kịp thời
Nếu không may bị rắn độc cắn, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay cần hành động nhanh chóng và đúng cách. Trước tiên, quan sát kỹ vết cắn để nhận biết đó có phải là rắn độc hay không.
Dấu hiệu của vết cắn rắn độc thường có 2 vết răng nanh lớn, cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ xung quanh. Còn vết cắn của rắn không độc sẽ để lại nhiều vết răng nhỏ hình vòng cung, không có vết răng nanh.
Sau khi xác định nạn nhân bị rắn độc cắn, cần di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi rắn ẩn nấp, tiếp đó bệnh nhân cần được băng ép bất động rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Khi vận chuyển bệnh nhân cần lưu ý, vùng bị cắn cần hạn chế vận động và để thấp hơn vị trí của tim.
"Khi bị rắn cắn, tuyệt đối không tin vào thầy lang, không tự ý dùng lá thuốc, dùng hòn đá chữa rắn cắn, trích rạch, gây điện giật hay chữa bằng mẹo... Điều này hết sức nguy hiểm, có thể làm tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng như hoại tử mức độ tối đa, biến chứng nặng hoặc tử vong, khi đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn", vị giám đốc nhấn mạnh.
Không nên cố gắng bắt con rắn, hãy quan sát và ghi nhớ đặc điểm, hình dạng con rắn để mô tả cho người có chuyên môn, tuyệt đối không rạch vết thương để hút nọc độc hoặc garo động mạch vì sẽ làm nặng thêm tình trạng nhiễm độc và gây tổn thương, nhiễm trùng nặng hơn.
Cũng theo BS. Trung Nguyên, khi bị rắn độc tấn công, nạn nhân thường có các triệu chứng rõ ràng tại vùng bị cắn. Đầu tiên là cảm giác đau rát, sưng tấy, chảy máu và bầm tím quanh vết cắn. Những dấu hiệu này có thể lan rộng ra các vùng lân cận và dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí hoại tử da.
Ngoài ra, nạn nhân còn có thể gặp các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, sưng môi và lưỡi, cảm giác cơ thể yếu dần, tinh thần lú lẫn, nhịp tim bất thường.
Trong trường hợp nặng, nọc độc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch và hô hấp, đe dọa tính mạng người bị cắn.
Để tránh sự cố đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tránh xa những nơi rắn thường lui tới như đống gạch vụn, rơm rác, gỗ, tổ mối, hốc đá... Khi di chuyển ở vùng rừng, cỏ dại, đầm lầy, hãy mặc quần dài, đi giày cổ cao và sử dụng đèn chiếu sáng vào ban đêm.
Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, trên bờ ruộng, mặt đất.
Không nên đụng chạm, dồn ép hay chơi đùa với rắn kể cả khi rắn đã chết. Đặc biệt, không để trẻ em tiếp xúc với những nơi có nguy cơ rắn ẩn nấp. Khi ngủ trong nhà ở vùng quê, miền núi, nên sử dụng màn và cẩn thận chèn kỹ để tránh rắn len lỏi vào giường.
Nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình trước mối nguy hiểm từ nọc độc rắn.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/de-phong-ran-doc-mua-mua-lu-a118944.html