Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm
Sáng 20/9, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu khai mạc, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường là sản phẩm có hại. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa các mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bà Thủy cho hay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban ngành. Dự kiến tháng 10, dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025.
Theo bà Thủy, dự thảo Luật đã nhận được sự quan tâm của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, Bộ Y tế liên tục nhận được thư kiến nghị, đề nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận được nhiều ý kiến, đề nghị của WHO, các cơ quan tổ chức bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng của y tế thế giới cũng đề nghị tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.
Thông tin tại Hội thảo, BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm.
Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản…
Với 15,6 triệu người hút thuốc (GATS 2015), Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Mỗi năm cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra.
Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong toàn quốc nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.
Sử dụng thuốc lá còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022).
Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm.
Ngoài ra, hàng năm còn phải kể đến 49.000 tỷ đồng cho mua thuốc lá hút. Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Đồng thời, thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động: Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm.
Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Đề xuất mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao
Theo BS. Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá là sản phẩm cực kỳ gây hại với sức khỏe và điều đáng báo động là xu hướng tiêu dùng đã bắt đầu gia tăng.
Chúng ta đã giảm được tỉ lệ người hút thuốc lá một thời gian và nghĩ là đang tốt lên. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta là 47,4%, đến năm 2015 là 45,3%, năm 2021 là 41,1%. Tuy nhiên, ước tính hiện nay tỉ lệ này bắt đầu đi lên nếu không có biện pháp can thiệp về thuế.
"Theo đó, con số này có thể tăng lên 43,4% vào năm 2030, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất và tiêu dùng tăng lên", BS. Lâm cho hay.
Các biện pháp kiểm soát hút thuốc lá như: in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá…) đã phát huy tác dụng ở một mức nhất định nhưng chưa đủ. Đến nay các biện pháp này tương đối bão hòa, cảnh báo quen thuộc, không có gì đột phá ngoài thuế thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Theo BS.Tuấn Lâm, trong khi thuế thuốc lá là biện pháp chính để giảm cầu thì tại Việt Nam, thuế thuốc lá vẫn ở mức rất thấp.
Về kinh nghiệm áp thuế với thuốc lá để giảm mức tiêu thụ ở các nước, theo BS. Nguyễn Tuấn Lâm, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, quốc gia này tăng thuế với thuốc lá qua nhiều năm, nhờ đó đã giảm lượng tiêu dùng thuốc lá và tăng được thu ngân sách qua nguồn này.
Tại Philippines, với mức thuế xuất phát điểm cũng thấp như Việt Nam hiện nay, sau khi áp dụng chính sách tăng thuế đều theo các năm; trung bình thu thuế với mỗi bao thuốc là khoảng hơn 1 USD; nhờ đó đã tăng được thu thuế tới 3 tỷ USD; tỉ lệ hút thuốc cũng giảm từ 27% xuống (năm 2009) xuống còn 19,5% (năm 2021) trong vòng 10 năm; Philippines cũng đã đạt cam kết với quốc tế về giảm được các bệnh liên quan đến tác hại của thuốc lá. Điều này cho thấy, thuế thuốc lá ở Việt Nam đang quá thấp.
WHO khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như sau: Mức 5.000 đồng/gói năm 2026; 7.500 đồng/gói vào năm 2027; lên 10.000 đồng/gói năm 2028; lên 12.500 đồng/gói năm 2029; lên 15.000 đồng/gói năm 2030.
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỉ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải mức đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.
Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Với mặt hàng thuốc lá, theo đề xuất của Bộ Tài chính, với 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỉ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ.
Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỉ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỉ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/de-xuat-ap-thue-thuoc-la-15000-donggoi-vao-nam-2030-a123288.html