Đây cũng là một trong những chủ đề chính sẽ được bàn luận trong chuỗi Tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 5/12 tới tại Hà Nội.
80% các ca đột quỵ, biến cố tim mạch xảy ra ở nhóm có nguy cơ thấp và vừa
Phiên thảo luận sẽ do GS. Alta Schutte, Trưởng nhóm nghiên cứu về Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y Đại học New South Wales, Australia, thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture, chủ trì. Theo bà, 1,4 tỷ người trên thế giới mắc tăng huyết áp, trong khi đây là nguyên nhân chính của các cơn đột quỵ.
“Khi nói đến việc phòng ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch, quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tăng huyết áp. Dù đã có rất nhiều bước tiến, nhưng chúng ta vẫn chưa thể cải thiện đáng kể các vấn đề trong phòng và điều trị các bệnh tim mạch cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch”, GS. Schutte chia sẻ.Alta Schutte (thứ hai từ phải sang) cảnh báo về nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch ở người trẻ
Còn theo GS. Valery Feigin, các yếu tố về lối sống không lành mạnh đang thường bị bỏ qua khi đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các biện pháp phòng ngừa CVDs đang tập trung chủ yếu cho nhóm người có nguy cơ cao, nhưng có đến 80% các ca đột quỵ và biến cố tim mạch xảy ra ở nhóm người có nguy cơ từ thấp đến vừa, chính vì nhóm nguyên nhân này.
“Thừa cân, béo phì và chế độ ăn thiếu chất xơ, uống nhiều nước ngọt và đồ uống có cồn dẫn đến tăng huyết áp và các rối loạn chuyển hóa. Điều này kéo theo nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch”, ông Feigin nói. Vị chuyên gia trong Top 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong mọi lĩnh vực đồng thời cho biết đây là lối sống thường thấy ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Alta Schutte, tác giả của hơn 400 bài báo khoa học trong lĩnh vực huyết áp và bệnh tim mạch, đưa ra ý kiến tương đồng.“Ngày càng nhiều trẻ em và người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 mắc tăng huyết áp, bệnh mà trước đây chúng ta chỉ thấy ở người từ 60 tuổi trở lên. Mắc tăng huyết áp sớm hơn, đồng nghĩa với nguy cơ khởi phát đột quỵ sớm hơn, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống”, GS. Schutte cho biết.
Thêm nữa, GS. Schutte nhấn mạnh rằng tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm và điều trị đột quỵ. Bà chỉ ra rằng một nửa số người mắc tăng huyết áp thậm chí không biết mình mắc bệnh và họ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận và sa sút trí tuệ.
“Hơn 75% trong số này đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình. Như vậy nghĩa là chúng ta cần cải thiện tình hình không chỉ ở những nơi có điều kiện tốt, mà còn ở các quốc gia có điều kiện khó khăn hơn. Sự thay đổi này cần mang tính toàn cầu, đó là lý do tôi đánh giá cao các hoạt động của Quỹ VinFuture”, GS. Schutte nhấn mạnh.
Những mô hình, công nghệ mới
GS. Schutte nhận thấy gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra một số công nghệ ấn tượng trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Trong đó có một loại thuốc tiêm giúp hạ huyết áp là sáng kiến có khả năng cao sẽ được áp dụng trong thực tế.
“Mỗi lần tiêm có tác dụng trong 6 tháng và bệnh nhân không phải uống thuốc mỗi ngày nữa, nó gần giống như một loại vắc-xin. Bệnh nhân sẽ không phải mua thuốc thường xuyên và bác sĩ cũng không phải theo dõi bệnh nhân có sử dụng thuốc đúng chỉ định hay không”, bà giải thích. “Trước đây, những dạng thuốc như thế này là bất khả thi với các tình trạng như tăng huyết áp. Việc nó nhắm vào siARN trong gan cũng sẽ mở đường cho nhiều phương pháp ngăn ngừa điều trị các bệnh không lây nhiễm khác”.
Theo GS. Schutte, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong các giải pháp phòng và điều trị đột quỵ. Đây cũng có thể trở thành giải pháp để tất cả mọi người, bao gồm những người có thu nhập vừa và thấp tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức và được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Cũng tại tọa đàm vào ngày 5/12 tới, GS. Feigin, tác giả của hơn 850 ấn phẩm khoa học, trong đó phần lớn viết về đột quỵ, sẽ giới thiệu về sáng kiến mà ông và nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong 10 năm qua về việc sử dụng hệ thống dữ liệu sức khỏe trong dự đoán nguy cơ bệnh, cũng như những bằng chứng mới nhất về hiệu quả của nó.
“Dựa trên các dữ liệu thu thập được, các chuyên gia có thể cải thiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe, phân bổ nguồn lực cũng như thiết lập các ưu tiên trong quá trình chăm sóc sức khỏe trên phạm vi toàn cầu”, GS. Feigin cho biết.
Tọa đàm “Những đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe tim mạch và Điều trị đột quỵ” là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 4, bên cạnh các tọa đàm với chủ đề: “Vật liệu cho tương lai bền vững” (4/12), “Triển khai AI trong thực tế” (4/12), và “Ô nhiễm không khí và Giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” (5/12).
Thời gian: 13h30’ – 14h45’;
Ngày: 5/12/2024
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội
Chủ tọa: GS. Alta Schutte, Đại học New South Wales và Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Úc), Thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture
Diễn giả - Các nhà khoa học hàng đầu thế giới:
GS Valery Feigin - Giám đốc Viện Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia thuộc Đại học Công nghệ Auckland (NISAN) (New Zealand) TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Việt Nam) TS. BS. Bùi Đức Phú - Giám đốc Chuyên ngành Tim mạch, Hệ thống Y tế Vinmec (Việt Nam) PGS. TS. BS. Mai Duy Tôn, Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam)
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/chuyen-gia-vinfuture-mo-xe-nguyen-nhan-dot-quy-ngay-cang-tre-hoa-a132338.html