Hành vi phi nhân tính
Thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (44 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để điều tra hành vi Giết người.
Kết quả điều tra xác định, khoảng 22h5 ngày 2/1/2023, cháu N.V.H. (SN 2017, là con ruột của bà Na) chết tại nhà vệ sinh của gia đình.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã xác định Na là nghi phạm. Mục đích giết cháu bé nhằm trục lợi bảo hiểm.
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Tô Thị Ty Na.
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt cho biết, hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác, trong vụ án trên lại chính là con ruột của nghi phạm trước hết cấu thành tội Giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Tội Giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong vụ án, nạn nhân mới 8 tuổi là tình tiết tăng nặng theo quy định (Giết người dưới 16 tuổi) của Điều 123.
Đồng thời, theo thông tin ban đầu, mục đích sát hại con của nghi phạm nhằm trục lợi tiền bảo hiểm. Do đó, người phụ nữ này có thể bị xem xét thêm về tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213, Bộ luật Hình sự).
Luật sư Phạm Hồng Kiên.
Với tội danh trên có thể bị phạt tới 7 năm tù nếu số tiền trục lợi lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án này có thể coi là trường hợp điển hình về việc trục lợi bảo hiểm bằng hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đánh giá về vụ án, Luật sư Kiên cho rằng, thực tế, đã ghi nhận nhiều vụ việc như dàn dựng tai nạn, làm giả hồ sơ y tế, giả chết,… Thế nhưng, giết con ruột để trục lợi bảo hiểm là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức ở mức độ nghiêm trọng và rất phi nhân tính.
Cần xử lý với chế tài nghiêm khắc nhất
Trao đổi với PV về vấn đề trên, TS. Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ: "Nhiều năm tham gia công tác bảo vệ trẻ em, trực tiếp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ em yếu thế, bị bạo hành, bị xâm hại, thậm chí có những trẻ em bị sát hại nhưng tôi chưa từng thấy vụ việc nào mẹ lại sát hại con để trục lợi bảo hiểm như vụ việc này".
Cũng theo ông Cường, pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật trẻ em 2016 đã có rất nhiều các quy định cụ thể để bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe.
Điều 6 Luật trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em;…
Pháp luật cũng quy định trách nhiệm bảo vệ đầu tiên là trách nhiệm của cha mẹ. Luật Hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ của trẻ em có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến khi trưởng thành.
Do đó, hành vi sát hại chính con đẻ của mình để trục lợi bảo hiểm là hành vi vô cùng nhẫn tâm, cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/nghi-pham-sat-hai-con-de-truc-loi-bao-hiem-o-quang-nam-co-the-doi-dien-nhieu-toi-danh-a150226.html