Áp lực ngành y

Tôi được chơi thân với mấy bác sĩ, ở nhà cũng có mấy người làm trong ngành y, gần đây họ đều bày tỏ "tâm tư" trước một số việc liên quan.

Thứ nhất là nạn tấn công nhân viên y tế. Mới nhất là vụ một cậu trai tấn công, đấm tát rất hung hăng một điều dưỡng đang cấp cứu cho chính bố cậu này. Tôi xem cái clip mà sởn người và phục ê kíp, người bị đánh cứ ôm đầu chịu đánh, người cấp cứu vẫn cấp cứu, vẫn ép tim, vẫn ai việc nấy, không xao nhãng.

Áp lực ngành y- Ảnh 1.

Hình ảnh nam thanh niên hành hung nhân viên y tế. (Ảnh cắt từ video)

Trước đấy, một vụ cũng y như thế. Nhân viên tập trung căng thẳng để cấp cứu cho con họ, giành từng giây từng phút của thời cơ vàng. Còn họ, vợ thì giãy đành đạch gào thét làm nhân viên y tế mất tập trung, chồng thì... tấn công điều dưỡng khi anh này đi lấy thêm dụng cụ.

Và nếu search thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vụ việc tấn công nhân viên y tế như thế.

Tất nhiên sau đấy sẽ là ăn năn hối lỗi, sẽ là thiếu kiềm chế, sẽ là do lo cho người nhà, vân vân...

Họ không hiểu rằng, ngoài việc gây rối trật tự công cộng (nhẹ nhất) tới đánh người gây thương tích, rồi tấn công người đang thực thi công vụ thì còn việc nữa liên quan ngay đến tính mạng người nhà của họ, là chỉ tính bằng giây bằng phút thôi, các nhân viên y tế lơ là việc cấp cứu để tránh đòn thì chính người nhà của họ sẽ là nạn nhân của chính họ.

Rồi nữa là đạo đức xã hội.

Không ai có thể chấp nhận được hành vi tấn công nhân viên y tế khi họ đang cứu chữa cho người nhà của mình như thế. "Cho dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối để họ hoàn thành công việc.", TS. BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu.

Thứ nữa là việc viện phí. Ở cái vụ "được" livestream mới nhất, một người lên mạng tố các nhân viên y tế không cấp cứu ngay khi bệnh nhân (bị thương khá nặng) vào viện, mà yêu cầu phải đi nộp viện phí đã.

Bây giờ có cái món livestream, hở cái là "được" lên mạng, và ăn gạch đá ngay.

Thì cái vụ livestream tố bệnh viện chưa cấp cứu ngay mà đòi phải nộp tiền, nó nảy ra ngay một vấn đề: viện phí.

Theo quy định, bệnh nhân vào viện thì phải đóng viện phí. Và ê kíp trực có trách nhiệm thu.

Và trong thực tế, đã có khá nhiều vụ, người bệnh "lặng lẽ xuất viện" và số tiền đã chi ra để cấp cứu thì ê kíp chia nhau trả.

Một số người giải thích rằng, mấy người mặc áo blouse y tế trong cái clip ấy là nhân viên hành chính chứ không phải y bác sĩ.

Tôi thì thấy rằng, bên cạnh việc phê phán sự cứng nhắc, có phần vô tâm trong clip thì chúng ta cũng phải đặt vấn đề "một cách có trách nhiệm hơn" về viện phí.

Bởi ngoài những người (đa số, rất đông) chấp hành thì vẫn còn những trường hợp cá biệt, mà nhiều nhất là mấy anh say rượu, được đưa vào, cấp cứu tới nửa đêm tỉnh thì... lẳng lặng về.

Anh bạn tôi, bác sĩ ngoại ở một bệnh viện nhỏ thôi nhưng cũng bảo: Làm sao để bác sĩ toàn tâm tập trung cứu chữa bệnh nhân chứ hiện nay chúng em vừa cấp cứu vừa canh chừng, một là canh chừng bị... đánh, và 2 là canh chừng thuốc. Làm sao để nó trong vòng bảo hiểm (nếu bệnh nhân có bảo hiểm), hoặc để nó trong vòng bệnh nhân... chịu được, căn cứ vào nhận định cá nhân về hoàn cảnh bệnh nhân, và rồi canh chừng bệnh nhân... trốn nếu họ chưa nộp tiền. Và ngay khi bệnh nhân vào cấp cứu mà nhắc họ đi đóng tiền cũng rất... ngượng mồm (lại nhớ mấy cô giáo bảo áp lực nhất của tụi em là phải... thu tiền. Là giáo viên nhưng tụi em kiêm thêm hàng chục việc khác, nhưng việc thu tiền học trò là áp lực nhất, mà đa phần là thu hộ nhưng mình thành vai ác). Nhưng không nhắc, không thu được tiền thì bọn em phải... chia nhau.

Sáng qua, tôi ngồi với một giáo sư ngôn ngữ, ngoài chuyện nói với nhau về tiếng Việt, có đá qua chuyện ngành y nhưng cũng liên quan tới ngôn ngữ, ấy là nhà thương thí. 

Trước 1975, đã có một mô hình nhà thương thí ở Sài Gòn. Đụng đến ngôn ngữ là chữ nhà thương, rồi thí. Nhà thương là cái bệnh viện chữa vết thương, nhưng cũng có nghĩa là tình thương nữa. Nơi ấy chữa những người bị thương, bị bệnh, và bằng tình thương. Còn thí, mặt nào đấy nó như "bố thí" của ngôn ngữ nhà Phật. Bây giờ chữ thí và bố thí bị hiểu theo nghĩa tiêu cực, coi thường, chứ nó từng một thời được dùng để gắn với tình thương.

Ở Sài Gòn xưa có bệnh viện bình dân (giờ vẫn còn) và nhà thương thí phục vụ cho tầng lớp bệnh nhân nghèo. Có cả cái bệnh viện Vì dân, giờ là bệnh viện Thống Nhất. Theo một thông tin thì "Nhà thương thí" là chữ mà người Việt xưa gọi những dưỡng đường (bệnh viện) của nhà nước. Ở những nhà thương công lập này, người dân đi khám bệnh, điều trị thì được hoàn miễn phí, không tốn đồng xu nào, cả tiền khám lẫn tiền thuốc, vì vậy nó còn được gọi là nhà thương thí. Nhà thương thí Sài Gòn là tên gọi của Bịnh viện Sài Gòn, nay là bệnh viện đa khoa Sài Gòn nằm trên đường Lê Lợi.

Thôi thì, bây giờ ấy, gọi là gì cho nó sang cũng được, có nên chăng chúng ta có những bệnh viện dành cho người nghèo, người ít tiền, vào đấy được miễn tất cả mọi thứ. Khỏi bệnh thì về.

Chứ như hiện nay thì quả là, sự đan xen khiến cho cả bệnh nhân lẫn các cơ sở y tế, nhân viên y tế rất khó xử. Ngay cả việc kêu gọi mạnh thường quân, xã hội hóa để có những khoản "bù" nếu bị bùng viện phí thì nó cũng rất phập phù, và có khi cũng gây tiêu cực khi quản lý quỹ này. Thì đến thuốc bảo hiểm y tế kia mà cũng bị gian lận, để bên bảo hiểm phải bóp lại, và rất khổ cho người bệnh chân chính bởi những quy định khá oái oăm.

Mới nhất thì Tổng bí thư Tô Lâm vừa giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.

Lại nhớ, một tờ báo cho biết: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì dùng chữ nhà thương thay cho bệnh viện, từ những ngày đầu cách mạng thành công đến khi Người vĩnh biệt chúng ta".

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Link nội dung: https://tiepthiplus.net/ap-luc-nganh-y-a154428.html