Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh cho biết: “Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo quốc gia, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ngôn ngữ đối với sự phát triển của quốc gia trong việc mở rộng tiềm năng giao tiếp, kết nối toàn cầu. Mở rộng kiến thức, học cách giao tiếp bằng các ngôn ngữ khác, khám phá những chân trời văn hóa mới không chỉ là những lợi ích của việc học ngôn ngữ mà còn là nền tảng để chúng ta thể hiện vai trò của mình. Chúc mừng tất cả các thí sinh có mặt trong vòng chung kết hôm nay và chúc các bạn thành công”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo Dục Thường Xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cuộc thi có sự tham dự của: Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo Dục Thường Xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM; Bà Phạm Hoàng Uyên - Giám đốc khảo thí đại học Cambridge khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương; ông Derek Spafford - Giám đốc Phát triển chuyên môn khu vực châu Á của tổ chức giáo dục MacMillan Education; ông Jonathan Bird - Giám đốc Đào tạo, tổ chức giáo dục ILA Việt Nam; ông Todd Bierbaum - Giám đốc Đào tạo hệ thống anh ngữ OLA, trực thuộc tổ chức giáo dục ILA Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bích - Giám đốc điều hành, tổ chức giáo dục ILA Việt Nam.
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM, cho biết: “Sở Giáo Đào tạo rất quan tâm đến các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh của thành phố. Tôi rất ấn tượng đối với cuộc thi của ILA trong những năm vừa qua, vừa góp phần cho học sinh học ngôn ngữ tiếng Anh vừa tìm hiểu các vấn đề của xã hội. Thông qua đó các em bắt kịp thông tin đời sống, giúp các em trong cách ứng xử cũng như hoạt động ở lớp”.
Greater Voice - Greater Impact
Speak up là đấu trường Anh ngữ học thuật thường niên do Tổ chức giáo dục ILA tổ chức từ năm 2018, dành cho các thí sinh từ 6 đến 16 tuổi, chia làm hai bảng: Super Juniors (6-11 tuổi) và Smart Teens (11-16 tuổi).
Năm nay, cuộc thi mang đến chủ đề “Greater Voice - Greater Impact” để học sinh có thể dùng tiếng nói của mình nhằm tạo ra những ảnh hưởng tích cực góp phần thay đổi nhận thức của mọi người, là chìa khóa mở ra tiềm năng và tương lai của học sinh. Cuộc thi cũng chính là hành trình trau dồi bản thân và trưởng thành hơn mỗi ngày của học sinh ILA.
Speak up 2022 thu hút hơn 4.000 thí sinh toàn quốc tham dự, bao gồm 3 vòng thi. Ở hai vòng đầu, các thí sinh đã thể hiện suy nghĩ, vốn hiểu biết của mình về những đề tài gần gũi nhưng đầy sức ảnh hưởng như: Sức mạnh của lời cảm ơn và xin lỗi, Hình mẫu lý tưởng, Tái chế hay Công nghệ và môi trường.
Sau hai vòng thi, 36 thí sinh xuất sắc nhất toàn quốc đã lộ diện để góp mặt trong vòng chung kết.
Lộ diện những gương mặt xuất sắc tiếng Anh với hiểu biết sâu rộng
Để có thể vượt qua các vòng thi, các thí sinh không chỉ phải giỏi tiếng Anh mà còn cần có khả năng thuyết trình, phản ứng nhanh - linh hoạt, hiểu biết và có tư duy phản biện. Trong vòng chung kết, 36 thí sinh của 2 bảng, mỗi bảng 18 bé chia nhóm 6 bé tiếp tục tranh tài bằng tiếng Anh qua 3 vòng thi:
Ở vòng 1 thi kiến thức có 10 câu hỏi, gồm 5 câu bấm chuông giành quyền trả lời và 5 câu viết đáp án ra bảng. Chủ đề của hai bảng xoay quanh kiến thức về văn hóa, xã hội, môi trường và công nghệ. Sau khi đấu loại trực tiếp ở mỗi nhóm, 12 bé của hai bảng đã bước vào vòng tiếp theo.
Ở vòng 2 thi tranh luận, mỗi thí sinh Super Juniors có một phút để tranh luận. 6 thí sinh Super Juniors đã đưa ra luận điểm về các chủ đề Trò chơi điện tử có hại cho trẻ em, Robot sẽ thay thế con người trong tương lai và Học sinh nên có smartphone của riêng mình. Trong khi đó, 6 thí sinh của bảng Smart Teens, mỗi bé có 4 phút tranh luận về chủ đề học sinh không phải mặc đồng phục; Việc so sánh mình với bạn bè là điều lành mạnh đối với những người trẻ tuổi và Những người đi du học trở nên thành công hơn.
Ở vòng này, mỗi bảng có 2 bé bị loại, 4 bé tiếp tục bước vào vòng thuyết trình để tranh giải nhất, nhì và ba.
Trong vòng 2 phút, 4 thí sinh Super Juniors thuyết trình về chủ đề: "Nếu bạn có thể tạo ra một công nghệ mới để giúp đỡ con người trong tương lai, thì đó sẽ là gì?”. Nguyễn Nhật Dương đã có bài thuyết trình vô cùng ấn tượng về giải pháp cho tình trạng ô nhiễm không khí: “Con muốn giới thiệu về công nghệ mới cho tương lai là xe Tree-viCAR. Loại xe này không sử dụng xăng dầu mà là carbon dioxide (CO2) và thải ra oxy. Nếu ý tưởng này thành hiện thực thì sẽ giảm ô nhiễm không khí. Với mỗi một mẫu Tree-viCAR được sản xuất chúng ta sẽ trồng một cây xanh, từ đó tăng lượng oxy để chúng ta hít thở dễ dàng hơn”. Và em đã giành ngôi vị quán quân Super Juniors.
Điểm đặc biệt của Nhật Dương là em ở Hải Phòng, bố mẹ không đi cùng em vào TP. HCM. Song không vì vậy mà Nhật Dương thiếu tự tin. Em đã thể hiện khả năng phát âm chuẩn bản ngữ và thuyết trình tự tin trên sân khấu trước hơn 400 khán giả.
Và quán quân của bảng Smart Teens thuộc về em Nguyễn Phúc Duyên. Với chủ đề “Nếu bạn có thể bắt đầu một công việc kinh doanh để giúp đỡ mọi người trong tương lai, đó sẽ là gì?”, trong 3 phút, Phúc Duyên đã làm khán giả ngạc nhiên với bài thuyết trình cô đọng, súc tích: “Con sẽ mở một khu du lịch lịch thực tế ảo bao gồm nhiều phòng để tạo ra một không gian 4 chiều không khác gì đời thực. Những phòng này sẽ có nhiều chủ đề khác nhau bao gồm rừng núi, sông hồ… với các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, câu cá, dã ngoại… Điều này không chỉ hàn gắn mối quan hệ của mọi người mà còn giảm được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển những khu du lịch”.
Duyên cho biết, em rất bất ngờ vì đạt giải nhất. Em từng tham gia Speak up 2020 và khi đó chỉ dừng lại ở vòng 2 chung kết. Lần này, em đặt mục tiêu hạng 2 hoặc 3 và không nghĩ mình sẽ đạt hạng nhất. Giải thưởng đã khiến em tự hào về bản thân và tự tin rằng mình có thể làm những điều mà mình không nghĩ sẽ đạt được.
Ông Derek Spafford, Giám đốc Phát triển chuyên môn khu vực châu Á của MacMillan, nhận xét về các thí sinh: “Việc nói lưu loát trước đám đông bằng ngôn ngữ mẹ đẻ đã khó, nói bằng ngôn ngữ thứ hai còn khó khăn hơn. Vì thế, các thí sinh có thể nói tiếng Anh trôi chảy như vậy rất là tuyệt vời, đặc biệt là độ tuổi nhỏ. Chất lượng thí sinh cao nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi chọn quán quân. Chính vì thế, chúng tôi chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí: kỹ năng quản lý thời gian, thuyết trình, phản biện và trình độ tiếng Anh cùng sự tự tin trên sân khấu”.
Cuộc thi khép lại trong dư âm của niềm tin và hy vọng tích cực. Đó là niềm tin vào một thế hệ trẻ tài năng, đam mê, dám dấn thân với những giấc mơ lớn để trở thành công dân toàn cầu.
Thanh Thúy
Link nội dung: https://tiepthiplus.net/hoc-sinh-ila-speak-up-2022-voi-y-tuong-kinh-doanh-va-sang-kien-cong-nghe-giup-thay-doi-the-gioi-a73575.html