Gói 120.000 tỷ đồng chỉ giải quyết được 24% nhu cầu vốn xây nhà ở xã hội

23/10/2024 09:56

Bộ Xây dựng dự kiến sẽ nghiên cứu, đề xuất việc phát hành trái phiếu cho người dân vay mua NOXH.

Cần 500.000 tỷ đồng để thực hiện đề án xây 1 triệu căn NOXH

Tại buổi họp báo báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng chiều 17/10, ông Vương Duy Dũng - Cục Phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc đề xuất thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Theo đó, vị lãnh đạo cho biết đối với nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần hạ lãi suất tuy nhiên thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.

Chưa kể nguồn vốn này còn do các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, không có ngân sách hỗ trợ, các ngân hàng thương mại phải chịu áp lực về lợi nhuận tối thiểu, phòng tránh rủi ro theo pháp luật về tín dụng.

Do đó, nếu so sánh thì nguồn vốn đề xuất 30.000 tỷ đồng dùng vốn ngân sách sẽ đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ chính trị của Nhà nước trong việc quan tâm, đảm bảo công tác an sinh, xã hội về nhà ở.

Gói 120.000 tỷ đồng chỉ giải quyết được 24% nhu cầu vốn xây nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Buổi họp báo báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng.

Đồng thời với nhu cầu vốn đến năm 2030 được nêu tại Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (khoảng 500.000 tỷ đồng) thì nguồn vốn 120.000 tỷ mới chỉ giải quyết được khoảng 24%.

Do vậy, nhằm đảm bảo tính ổn định, đa dạng nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở và đảm bảo mục tiêu của Đề án thì việc nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội; trong đó 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, việc đề xuất này phải phù hợp với các pháp luật về nhà ở, pháp luật về ngân sách, pháp luật về tín dụng, pháp luật về đầu tư công và các pháp luật khác liên quan.

Do vậy, Bộ Xây dựng đang tập trung phối hợp với các Bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đồng bộ, đúng quy định pháp luật.

Cả nước có khoảng 196 chung cư được đánh giá cấp D

Phản hồi về việc Hà Nội và các đô thị lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng... có nhiều chung cư cũ hiện đã xuống cấp, nguy cơ an toàn đối với người dân, nhất là cơn bão số 3 vừa qua đã bộc lộ nhiều bất an đối với chung cư cũ, ông Hà Huy Hà – Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã ngay lập tức vào cuộc.

Thống kê của Bộ Xây dựng chỉ ra hiện nay, cả nước có khoảng 2500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập chung chủ yếu tại một số thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… theo số liệu báo cáo chưa được đầy đủ số lượng nhà chung cư cũ đã được kiểm định khoảng 1782 công trình đạt 71,28%. Trong đó nhà chung cư được đánh giá cấp D là 196 công trình.

Gói 120.000 tỷ đồng chỉ giải quyết được 24% nhu cầu vốn xây nhà ở xã hội- Ảnh 2.

Trên cả nước có khoảng 196 chung cư được đánh giá cấp D.

Liên quan đến công tác kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ, ngày 16/9/2024 Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 5297 về việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn; đối với các nhà chung cư đã hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng mà thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại nhưng chưa đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Chung cư cũ nguy hiểm, Bộ Xây dựng yêu cầu khẩn trương di dờiNgừng sử dụng 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D ở Hải Phòng

Ngoài ra, ngày 8/9/2024 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có công điện số 02 về việc khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) gửi UBND, Sở Xây dựng 17 tỉnh, thành phố.

Nội dung công điện nêu rõ đối với một số công trình mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn do bão gẫy hư hỏng kết cấu, dàn mái, mặt dựng vách kính…và công trình chung cư cũ, cần phải được khắc phục và tổ chức đánh giá đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục khai thác, sử dụng.

Riêng đối với các công trình chung cư cũ đã được kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm ở mức độ D cần khẩn trương thực hiện theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị.

Bạn đang đọc bài viết "Gói 120.000 tỷ đồng chỉ giải quyết được 24% nhu cầu vốn xây nhà ở xã hội" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).