Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt thuế quan "có đi có lại" đối với gần 60 đối tác thương mại trên khắp toàn cầu – và sau đó cho tạm hoãn thực hiện trong 90 ngày, Nhật Bản nổi lên là quốc gia được ưu tiên đàm phán trước nhất.
Thế giới đang theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán thuế quan đầu tiên giữa hai cường quốc kinh tế vào ngày 16/4, nhằm có cái nhìn thoáng qua về một thỏa thuận với Tổng thống Trump có thể trông như thế nào.
Dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Tokyo là Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Shigeru Ishiba. Đối diện ông bên bàn đàm phán ở Washington là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, tháng 2/2025. Ảnh: The Guardian
Trong các bình luận trước khi lên đường đến Mỹ cho cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày, từ 16-18/4, ông Akazawa cho biết mục tiêu đàm phán của Nhật Bản là tìm cách xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế quan bổ sung do Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa của đất nước.
Tokyo, một đồng minh lâu năm của Washington, đã chịu mức thuế 24% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Mặc dù mức thuế này đang được tạm hoãn trong 90 ngày, mức thuế quan "cơ bản" 10% vẫn được áp dụng.
Thêm vào đó, mức thuế quan 25% vẫn đang được áp dụng đối với ô tô, và mức thuế này là "đòn giáng" đặc biệt đau đối với Nhật Bản, khi khoảng 28% xe hơi xuất khẩu của gã khổng lồ Đông Á có đích đến là Mỹ.
"Các mức thuế quan đã áp dụng đang làm xói mòn lợi nhuận của các công ty Nhật Bản từng ngày", ông Akazawa cho biết khi phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 15/4.
"Sẽ không dễ dàng nhưng chính phủ sẽ cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu của chúng tôi sớm nhất có thể", vị quan chức Nhật Bản cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế bổ sung của Mỹ".
Nhật Bản hy vọng có thể thuyết phục Mỹ rằng hai nước có thể đạt được tình huống "cùng có lợi" mà không cần dùng đến thuế quan, chẳng hạn như bằng cách mở rộng đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ, ông Akazawa nói, nhưng không bình luận về khung thời gian dự kiến để đạt được thỏa thuận như vậy.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng gánh nặng thuế quan sẽ đặc biệt có hại đối với Nhật Bản, quốc gia – mặc dù đầu tư dài hạn vào ngành sản xuất tại Mỹ – nhưng lại hưởng lợi rất lớn từ xuất khẩu và dựa vào hoạt động thương mại có rào cản tương đối thấp.
Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán, thuế quan của ông Trump sẽ làm giảm 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2026, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản được công bố vào tuần trước.
Công thức tính thuế quan "có đi có lại" của ông Trump chỉ liên quan đến thâm hụt thương mại, khiến không rõ chính xác các quốc gia cần phải làm gì để đạt được thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ thấy "chấp nhận được".
Trước thềm cuộc đàm phán Mỹ-Nhật Bản, các quan chức đã gợi ý rằng thỏa thuận có thể vượt ra ngoài phạm vi thương mại và liên quan đến các vấn đề khác, bao gồm chính sách tiền tệ, quốc phòng và an ninh khu vực.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)