Nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc
Sinh ra và lớn lên tại quê hương giàu truyền thống cách mạng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là TP. Hà Nội) trong một gia đình nhà nho yêu nước, đồng chí Đào Duy Tùng sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.
Năm 1944, chàng thanh niên Đào Duy Tùng khi đó mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp Thành chung về quê hương xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, bắt đầu dẫn thân vào con đường cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh. Ông là lớp thanh niên đầu tiên ở Cổ Loa được đồng chí Trần Đăng Ninh mở lớp giáo dục, giác ngộ và từ đây, những "nấc thang" đầu tiên đưa ông bước vào cuộc hành trình của đời mình.
Đó là một cuộc hành trình không ngừng trau dồi trí tuệ, không ngừng nỗ lực hoạt động cách mạnh và ông đã trở thành một nhà chính trị tài đức song toàn.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền.
Năm 1945, đồng chí Đào Duy Tùng cùng lãnh đạo địa phương xã Cổ Loa đã lãnh đạo phong trào Việt Minh và nhân dân vùng lên giành chính quyền. Cổ Loa là địa phương đầu tiên phát động khởi nghĩa của tỉnh Phúc Yên và cũng là xã phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất của huyện Đông Anh (ngày 17/8/1945).
Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa, sau đó được huyện cử đi tham gia thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.
Từ một cán bộ Đảng ở cơ sở, ông và các đồng chí của mình đã gây dựng phong trào cách mạng ở đây ngày càng phát triển. Là một cán bộ trẻ, tâm huyết, có năng lực, ông được cấp trên và tổ chức tín nhiệm giao nhiều trọng trách khác nhau, trên các cương vị là Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.
Những năm tháng ở cơ sở là thời gian đồng chí làm tham gia công tác lãnh đạo Đảng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, gắn chặt lý luận với thực tiễn cách mạng và phong trào cách mạng của quần chúng.
Tháng 1/1953, sau khi kết thúc lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác-Lênin ở Trung Quốc. Kết thúc lớp học, Đồng chí được giữ lại làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường. Đây thực sự là thời kỳ đào tạo lý luận cơ bản để đồng chí trọn đời cống hiến cho hoạt động tư tưởng của Đảng.
Qua quá trình đào tạo có hệ thống về lý luận, cùng với sự phát triển từ phong trào quần chúng, đặc biệt là tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, sự nhiệt huyết, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, đồng chí Đào Duy Tùng đã trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng tin cậy giao phó, trở thành nhà lãnh đạo cao cấp, tài năng của Đảng.
Đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lý luận, tư tưởng của Đảng. Khi về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (tháng 5/1955) và trải qua hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, từ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng huấn học, Phó Trưởng ban và Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; đồng chí luôn được tín nhiệm giao trình bày các quan điểm cơ bản của Nghị quyết các hội nghị Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Các bản báo cáo của đồng chí giàu sức thuyết phục bởi tính khoa học và tính thực tiễn, cách lập luận chặt chẽ, sắc sảo, ngôn ngữ giản dị, trở thành định hướng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng.
Nhà lãnh đạo có tư duy đổi mớiĐồng chí Đào Duy Tùng là người tham gia nghiên cứu lý luận và thực tiễn từ Đại hội III đến Đại hội VIII và là thành viên trong Tổ biên tập văn kiện. Ông có tài khái quát rất tốt. Đây là một đóng góp rất lớn về mặt trí tuệ; biết tổng kết, khái quát từ thực tiễn và biết gắn định luật để hình thành cơ sở cho đường lối. Trong đóng góp này, nổi bật nhất chính là có tư tưởng đổi mới.
Đánh giá riêng về những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng thời kỳ đổi mới, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết: "Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, anh Đào Duy Tùng là con người của đổi mới. Anh thường bị kẻ không ưu thích chủ nghĩa xã hội gán ghép vào kiểu người "bảo thủ". Nhưng bảo thủ là gì? Nếu coi việc kiên trì bảo vệ những truyền thống tốt đẹp, những nguyên tắc bền vững của Đảng là bảo thủ thì không phải chỉ có anh mà tất cả chúng ta ở đây đều là bảo thủ. Còn nếu bảo thủ là níu giữ những gì đã lạc hậu, đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của cách mạng thì rõ ràng anh không dính dáng gì đến cái danh xưng ấy. Anh là người ủng hộ ngay từ đầu những nhân tố đổi mới khi chúng ta còn đang manh nha; ủng hộ "khoán 100" trước đây và ủng hộ "khoán 10" sau này; ủng hộ quan điểm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật" khi chuẩn bị Văn kiện Đại hội VI của Đảng".
Khi nhận xét về nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có viết: "Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên mình. Đồng chí cũng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, "khoán 100" rồi "khoán 10" đến Cương lĩnh đổi mới đất nước".
Ông Trần Đình Nghiêm, nguyên chuyên viên cấp cao Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia nhận xét: "Những tri thức phong phú của đồng chí Đào Duy Tùng có được phần lớn là tự nghiên cứu, tự học tập, đọc trực tiếp các tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết tâm đến mức những năm 1955-1965, đồng chí đã tự bổ túc thêm tiếng Pháp để đọc trực tiếp các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Pháp vì chưa có bản dịch bằng tiếng Việt".
Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng.
Có thể nói, "ba quan điểm kinh tế", "bốn nguy cơ" và "hai điều đánh giá tổng quát" về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
GS. Đào Nguyên Cát, nguyên cán bộ cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: "Tất cả hoạt động lâu dài, gian khổ của đồng chí đã rèn luyện đồng chí trở thành một chiến sỹ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà nghiên cứu và lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác lý luận, góp phần cống hiến xứng đáng trong việc xây dựng và tuyên truyền giáo dục lý luận của Đảng. Hàng chục năm qua, đồng chí đã hoạt động trên cương vị một Tư lệnh chiến trường của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, vừa là người trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời vừa là người đổi mới có nguyên tắc chủ nghĩa Mác – Lênin".
Đã 57 năm đã trôi qua (1967-2024), PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương – con trai trưởng đồng chí Đào Duy Tùng vẫn luôn tâm niệm những điều người cha dặn: "Công tác tư tưởng là một khoa học, một nghệ thuật, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của công tác tư tưởng là "được việc, được người, được tổ chức", lời dặn đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kim Liên-Minh Thúy