Diễn biến giá xăng dầu thế giới
Sáng nay ngày 23/4, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran, dần “hạ nhiệt”.
Theo số liệu trên Công Thương vào lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 87,21 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 82,85 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI lần lượt giảm 0,33% và 0,35%. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô mất hơn 1,4%.
Giá xăng dầu thế giới chịu áp lực giảm sau khi các quan chức cấp cao Iran cho biết nước này không có kế hoạch trả đũa vụ tấn công nghi do Israel thực hiện nhắm vào một căn cứ quan trọng của Iran.
Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần trước đã tăng 2,7 triệu thùng, cao gấp đôi so với dự báo của giới phân tích. Điều này cũng gây áp lực lên giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, đồng USD đang có xu hướng mạnh lên cũng khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên đắt đỏ, kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.
Theo Phil Flynn của Price Futures Group, giá dầu ít biến động bởi các nhà giao dịch nhận thấy cân bằng cung cầu sẽ thắt chặt trong những tháng tới.
Flynn cho biết: “Các nguyên tắc cơ bản về dầu rất mạnh”, “kỳ vọng thị trường sẽ thắt chặt nguồn cung vào mùa hè này”.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS cho biết phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị có xu hướng không kéo dài nếu nguồn cung không thực sự bị gián đoạn. Cũng theo vị chiến lược gia này, công suất dự phòng cao của một số quốc gia sản xuất dầu có thể bù đắp cho bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.
Còn theo Tamas Varga của nhà môi giới dầu PVM, một đợt tăng giá dầu kéo dài có thể xảy ra nếu eo biển Hormuz, huyết mạch dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, bị gián đoạn hoặc Saudi Arabia trực tiếp bị kéo vào cuộc xung đột.
Đáng chú ý phân tích của Reuters chỉ ra rằng nguồn cung dồi dào của một số loại dầu thô đang hạn chế tác động của cuộc xung đột đối với giá dầu kỳ hạn. Về mặt kinh tế, lạm phát đang trở lại là tâm điểm chú ý. Những bình luận từ các quan chức Fed và một loạt dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến đã khiến kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 giảm dần.
Trong khi đó, Tina Teng, một nhà phân tích thị trường độc lập, cho biết những lo ngại về kinh tế một lần nữa trở thành yếu tố giảm giá trên thị trường dầu thô. Giá chịu áp lực do dự trữ của Mỹ tăng mạnh và quan điểm "diều hâu" của Fed dẫn đến đồng USD mạnh. Sự mạnh lên của đồng bạc xanh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá xăng dầu hôm nay 23/4 tại thị trường trong nước
Trước đó vào ngày 17/4, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và cũng không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 17/4/2024 như sau:
Giá xăng E5RON92 tăng 378 đồng/lít, ở mức không cao hơn 24.226 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 1.011 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III tăng 416 đồng/lít, ở mức không cao hơn 25.237 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S giảm 164 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.446 đồng/lít;
Giá dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.416 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 198 đồng/kg, ở mức không cao hơn 17.206 đồng/kg.
Trúc Chi (t/h)