Cùng với phương án tuyển sinh, các trường đại học hiện nay cũng thông tin đến các thí sinh về điều chỉnh mức học phí của năm học mới.
Mặc dù, đã có quy định điều chỉnh về mức trần học phí tuỳ thuộc vào điều kiện của các cơ sở giáo dục đào tạo đại học khác nhau, tuy nhiên, đối với các trường đại học ở khu vực miền Bắc mức học phí các chương trình cơ bản sẽ dao động từ 15-30 triệu đồng/năm học.
Ngoài tiền học, sinh viên cũng cần chi trả những khoản tiền sinh hoạt khác vì vậy theo các chuyên gia học phí là một trong những yếu tố các em cần cân nhắc khi chọn trường.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, khi lựa chọn để học đại học thì ngành học là yếu tố quan trọng nhất. Cần lựa chọn một ngành phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Sau đó mới tính đến việc chọn trường nào để học.
“Trước đây, việc chọn trường thường chủ yếu phụ thuộc vào điểm chuẩn hay điểm trúng tuyển để xem sức của mình có vừa với yêu cầu của trường đó hay không. Nhưng trong bối cảnh tự chủ đại học và học phí được tính theo cơ chế giá, học phí đối với của nhiều trường đại học đang tăng lên. Do đó, khi chọn trường, các thí sinh cũng nên cân nhắc thêm cả yếu tố thứ 2 cũng rất quan trọng là học phí”, bà Phương nhìn nhận.
Theo bà Phương, đối với các bạn không có điều kiện kinh tế và từ địa phương khác đến học thì ngoài học phí, cần cộng thêm chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu như tiền ở ký túc xá, tiền ăn hằng tháng, tiền đi lại bằng phương tiện công cộng, một số chi tiêu khác.
“Khi đã ra tổng tiền thì có thể tính toán các phương án tài chính như vay người thân hay vay các ngân hàng, tuyệt đối không vay nặng lãi. Tiền đi học đại học thường được coi như một khoản đầu tư, có thể vay trong lúc đi học và trả dần lúc đi làm sau khi ra trường. Tuỳ từng ngành học, lương khởi điểm khi ra trường có thể dao động từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng”, bà Nguyễn Thị Cúc Phương đưa ra lời khuyên.
Một phương án khác là sinh viên học giỏi có thể nhận học bổng theo từng học kỳ. Tuy nhiên, phương án này chưa chắc chắn ngay được từ ban đầu, trước khi vào trường vì cần sự quyết tâm lớn và cần học một thời gian để làm quen với môi trường đại học.
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương cho hay: “Sau khi đã tính toán tất cả các phương án mà thấy khả năng tài chính của gia đình không thể kham nổi thì các em nên chọn ngành mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực nhưng ở một trường có học phí thấp hơn vì như đã nói ở trên, chọn ngành là quan trọng nhất. Dù các em học trường nào nhưng cố gắng học thật tốt, chăm chỉ thì cơ hội việc làm luôn rộng mở”.
Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng năng lực tài chính gia đình là 1 trong 4 yếu tố khi chọn ngành. Tuy nhiên, phụ huynh không nên để tài chính làm hạn chế niềm đam mê của thí sinh, có rất nhiều kênh tài chính, các nguồn hỗ trợ, học bổng để hỗ trợ các em học tập”, bà Vũ Thị Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, cần xem xét đến năng lực học tập, nhu cầu nhân lực ngành, sở thích, đam mê khi tìm hiểu các trường, các ngành.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Học phí các chương trình đại trà ở tất cả các trường đại học công lập trên cả nước trong năm học 2023-2024 sẽ có mức trần như sau: học phí khối ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng so với năm học 2022-2023); khối ngành Nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 300.000 đồng); khối ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,8 triệu đồng)
Khối ngành Toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành Y dược: 24,5 triệu đồng/ năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành Sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).