Việt Nam và Ấn Độ đã ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ngay từ những năm đầu thế kỷ XX. Trải qua nửa thế kỷ phát triển quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Ấn Độ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác sâu rộng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu chung cũng như mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Được tổ chức tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), chương trình Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 không chỉ giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người và những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam tới công chúng Ấn Độ mà còn góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường phát triển quan hệ giao lưu nhân dân, giao thương, du lịch giữa hai quốc gia.
Chương trình vinh dự có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam; ông Vellamvelly Muraleedharan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ; ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, ngoại giao đoàn các nước và bạn bè sở tại và quốc tế tại Ấn Độ.
“Đêm huyền diệu”: Giao thoa văn hóa Việt - Ấn lung linh và rực rỡ
Thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1972 nhưng Việt Nam và Ấn Độ thực tế đã có bề dày lịch sử giao thoa văn hoá lâu đời. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa Ấn Độ ngay từ thế kỷ V đến thế kỷ III TCN, thể hiện qua nhiều lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo... Kết quả rõ nét nhất của sự giao lưu và tiếp biến văn hóa này hội tụ một cách trọn vẹn trong văn hóa Champa. Nói cách khác, thông qua văn hóa Champa, văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận nhiều yếu tố của văn hóa Ấn Độ.
Chương trình Biểu diễn Nghệ thuật Magical Night (Đêm Huyền diệu), một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 là cơ hội giới thiệu cho khán giả về những giá trị sâu sắc trong kết nối văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Loạt tiết mục nghệ thuật dân tộc đặc sắc của nước ta như: múa Chăm, Tắc Xình (cộng đồng người Sán Chay); hát Then (dân tộc Tày, Nùng, Thái), Lượn Slương (dân tộc Nùng), Lượn Cọi (dân tộc Tày) và độc tấu đàn bầu "Điệu múa Ấn Độ" đầy ấn tượng mang đến cho đêm diễn những khoảnh khắc tỏa sáng của văn hóa Việt nơi nước bạn.
Các tiết mục trong đêm diễn được thể hiện bởi các nghệ sĩ thuộc Đoàn nghệ thuật Nhà hát Ca Múa nhạc dân gian Việt Bắc như: NSND Quang Vinh, Mạnh Tiến, Dương Mến, Phạm Tịnh, Đỗ Nhuận, Nông Viết Toại, NSND Lê Khình, NSND Kim Chung, NGƯT Bá Thái, Hà Tứ Thiên, NSƯT Minh Huệ, Hồng Hạt…
Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật này là minh chứng sinh động về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thông qua đó, khán giả Ấn Độ có cơ hội thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Việt Nam, trong đó có những loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi tin tưởng rằng, sự kiện văn hóa có ý nghĩa này sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.”
Cơ hội vàng cho xúc tiến du lịch Việt Nam - Ấn Độ
Ấn Độ là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng đối với ngành Du lịch Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế và chứng kiến sự tăng trưởng của du khách Ấn Độ. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tháng 11-2022, Việt Nam đón 27 nghìn khách du lịch từ Ấn Độ, tăng 31% so với tháng trước và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số du khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 109 nghìn lượt, xếp thứ 5 trong 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022, Diễn đàn xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Ấn Độ diễn ra vào ngày 14/12 là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa, thể hiện nỗ lực cùng quyết tâm thúc đẩy hợp tác song phương giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp của hai nước, dựa trên những kết quả mà ngành du lịch đã đạt được. Diễn đàn gồm 3 phiên thảo luận chính, tập trung vào việc giới thiệu những tiềm năng và quảng bá du lịch của Việt Nam. Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu nhu cầu của du khách Ấn Độ, trao đổi về kết nối hàng không, thúc đẩy các loại hình du lịch độc đáo, phù hợp với nhu cầu thị hiếu du khách Ấn Độ như: du lịch ẩm thực, du lịch tiệc cưới, du lịch MICE, du lịch Golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch điện ảnh.
Không gian Văn hóa Việt Nam
Là điểm nhấn của chuỗi hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022, Không gian Văn hóa Việt Nam tiếp tục sứ mệnh đưa những nét đặc sắc của văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới. Công chúng tại Ấn Độ đã có dịp trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, nghệ thuật nặn tò he và một số tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc…
Bên cạnh nghệ thuật dân gian, người tham dự cũng được tìm hiểu về cuộc sống và con người Việt Nam thông qua triển lãm trưng bày sách, ảnh, đặc san “Sức sống Việt Nam” với nội dung chủ đạo về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hình ảnh gần gũi với nhân dân Ấn Độ. Hình ảnh một Việt Nam giàu bản sắc, giàu sức sống đã được tái hiện qua các video-clip quảng bá văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực…
Đặc biệt, nghệ thuật tranh sơn mài Việt được giới thiệu tại Ấn Độ thông qua nhiều hình thức gồm: tiết mục biểu diễn tranh sơn mài do nghệ nhân Trần Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thể hiện và triển lãm tranh sơn mài khắc tái hiện các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng trong dự án “Latoa” của nhóm các hoạ sĩ yêu mến tranh dân gian và chất liệu truyền thống của Việt Nam.
Ấn Độ từ lâu đã được biết tới là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như việc đổi mới công nghệ, gia công thuê phần mềm, các dịch vụ về công nghệ cao… Vì vậy, với điểm đến cuối cùng của chuỗi hành trình năm nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với các đối tác để đem tới cho công chúng Ấn Độ dịp trải nghiệm văn hoá Việt thông qua một hình thức đặc biệt - đó chính là triển lãm số 3D về nghệ thuật sơn mài Việt Nam và trò chơi điện tử “Lạc Việt Phiêu lưu kí” (Lac Viet Adventures).
Ngoài ra, khách tham quan cũng có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hoá ẩm thực Việt thông qua thưởng thức các món ăn nổi tiếng được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Delhi và đầu bếp của các nhà hàng Việt Nam tại New Delhi thực hiện.
Chương trình Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 được Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, các đối tác: công ty MarknB, công ty TNHH Lê và Anh em (Le Bros), và các nhà tài trợ: Vietjet (nhà vận chuyển chính thức của Chương trình), Coca-Cola Việt Nam tổ chức. Đây cũng là lần thứ hai Bộ Ngoại giao lựa chọn Ấn Độ là điểm đến cho chuỗi chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài. Trước đó, Ngày Việt Nam tại Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức vào đầu tháng 3/2018 nhân chuyến thăm song phương của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ấn Độ.
Ngày Việt Nam ở nước ngoài là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Chương trình thường diễn ra bên lề các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước đối tác, nhân sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao và nhận được sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công chúng có thể theo dõi những thông tin mới nhất về Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 nói riêng và các chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022 nói chung trên nhiều nền tảng như: Fanpage Ngày Việt Nam ở nước ngoài - Vietnam Days Abroad Website: http://vietnamdaysabroad.mofa.gov.vn |
Tấn Long