Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào
Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận định, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, qua đó đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh... là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu ngân sách Nhà nước, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI … Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.
Tiếp nối đà phát triển của năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục có phát triển tích cực, có nhiều khởi sắc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời. Quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được triển khai chủ động, tích cực, đạt được nhiều kết quả thiết thực.
"Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức linh hoạt, sáng tạo, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển", đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) bày tỏ.
Cùng chung nhận định trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) khẳng định những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào khi chúng ta thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn, thách thức. Những kết quả toàn diện đạt được sẽ là động lực, tiền đề để chúng ta tiếp tục duy trì được đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
"Chính phủ đã điều hành thực hiện kế hoạch phát triển ngân sách Nhà nước đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm do đó kết quả kinh tế xã hội năm 2023 và tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2024 cơ bản đạt mục các mục tiêu, yêu cầu đề ra, rất khả quan", đại biểu Lò Thị Luyến (tỉnh Điện Biên) đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức từ nội tại nền kinh tế còn rất lớn, diến biến tình hình tiếp tục được dự báo và khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; kiên định, kiên trì mục tiêu giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi...
Một số ý kiến cho rằng, trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền.
"Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho các các dự án giao thông đã làm chậm trễ tiến độ thi công, ảnh hưởng rất lớn đến giải ngân. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp triệt để nhằm khắc phục trong thời gian sớm nhất để khắc phục tình trạng này như phải tìm vật liệu khác thay thế, trong đó có cát biển đã qua xử lý, xỉ than...", đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nêu vấn đề.
Tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật
Nhấn mạnh công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển, đại biểu Lò Thị Luyến mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện pháp luật. Đại biểu nêu thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Khẳng định, các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức có mối tương quan chặt chẽ với nhau, đại biểu Lò Thị Luyến (tỉnh Điện Biên) cho rằng, khi hệ thống pháp luật "còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất" thì sẻ xảy ra tình trạng cán bộ công chức tìm cách giữ an toàn cho mình, không dám làm, không dám tham mưu bởi rủi rủi ro về mặt pháp lý có thể đến với mình.
Theo đại biểu, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã rất tích cực rà soát và ban hành nhiều văn bản để khắc phục những bất cập nêu, những quy định này được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo điều kiện cho các địa phương triển khai áp dụng pháp luật được thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế vẫn còn và tiếp tục phát sinh, những vấn đề chưa được khắc phục và hoàn thiện rất cần Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm và rà soát thường xuyên.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (tỉnh Bình Thuận) lại cho rằng, nên phân loại các cán bộ mạnh dạn, có trách nhiệm và không vụ lợi trong Điều 219 của Bộ luật Hình sự để bảo vệ cán bộ; đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội có ý kiến như quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa Điều 219 của Bộ luật Hình sự về việc cần bổ sung những yếu tố không vụ lợi để phân loại trong quá trình xử lý.
"Nếu có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, trường hợp làm việc có tính toán sai sót, không vụ lợi thì cần xem xét xử lý cho hợp lý. Điều này giúp cán bộ công chức thực sự mạnh dạn hơn, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh", đại biểu Đặng Hồng Sỹ nói.
Hải Liên