Công ty không giấy phép hoạt động tại trường của Bộ
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Nhu cầu của người dân rất lớn, nhưng không ít người vì nhiều lý do đã không tìm hiểu đúng công ty có đủ thẩm quyền được cấp phép XKLĐ dẫn đến rủi ro, “tiền mất, tật mang”.
Qua công tác nghiên cứu, tìm hiểu về thực trạng trên, PV ghi nhận trường hợp Công ty Hợp tác quốc tế Isora (gọi tắt là Công ty Isora - PV). Trong vai là người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, phóng viên được môi giới hướng dẫn tới địa chỉ của Công ty Isora được đặt ngay tại tầng 3 và 4 của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (cơ sở 2, thuộc huyện Thanh Trì, Tp.Hà Nội).
Theo ghi nhận, nhiều lớp dạy tiếng cho người XKLĐ với hàng chục học viên đang theo học trong các phòng. Nhiều học viên chia sẻ, họ đã học nhiều tháng tại đây và sắp được xuất khẩu sang Nhật.
Clip:Công ty Isora hoạt động tại TrườngCao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội:
Tại đây, hai người đàn ông tên Dũng và Hải giới thiệu là nhân viên của công ty và mời PV vào phòng để được tư vấn. Khi PV thắc mắc, tại sao công ty không để biển hiệu, thì Dũng cho hay, nhà trường không đồng ý cho treo.
Thấy vậy, người tên Hải lập tức cắt lời và nói rằng, công ty thuê của nhà trường, trường lại thuộc Bộ Công Thương nên họ sợ có đoàn kiểm tra và không cho treo biển.
Theo hai nhân viên, hiện thị trường XKLĐ Nhật Bản đang có triển vọng. Sau khi đỗ đơn hàng, cần học thêm 4-6 tháng là có thể xuất ngoại. Mức phí dao động khoảng 150 triệu đồng cho hợp đồng 3 năm.
Khi học viên đăng ký sẽ phải đóng tiền cọc 10 triệu đồng đến khi thi đơn hàng, số tiền còn lại sẽ đóng theo lộ trình. Người đăng ký sẽ được học tập ngay tại trường, ở ký túc miễn phí, học viên tự trả tiền ăn, sinh hoạt cá nhân.
Sau khi nghe tư vấn, PV lấy lý do về nhà suy nghĩ thêm. Những ngày sau đó, hai người này liên tục gọi điện tư vấn, thúc giục PV tham gia "đơn hàng".
Thời gian qua, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phải liên tục chấn chỉnh tình trạng hoạt động của công ty XKLĐ, cũng như cảnh báo về rủi ro khi theo những công ty không được cấp phép. Kết quả, hàng chục doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc bị đình chỉ hoạt động, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp bất chấp hoạt động "chui".
Trao đổi với Người Đưa Tin, cán bộ Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, Công ty được cấp phép XKLĐ đều được cập nhật lên cổng thông tin của Cục để người dân dễ dàng tra cứu. Do đó, những công ty đã đi vào hoạt động như PV phản ánh mà không có trong danh sách đều là không phép.
“Dù thông tin công khai, được cập nhật liên tục, Cục cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn lơ là, chủ quan. Thậm chí nhiều người không chịu tìm hiểu mà chỉ nghe theo rồi ký hợp đồng với môi giới hoặc công ty không được cấp phép, điều này dẫn đến hệ luỵ có thể bị lừa mất tiền, hoặc xuất khẩu lao động mà không đúng với “hứa hẹn” ban đầu", vị cán bộ cho biết.
Nhà trường không biết "đối tác" có giấy phép hay không
Vậy, tại sao Công ty Isora có thể ngang nhiên sử dụng cơ sở vật chất, đưa người vào giảng dạy, tư vấn XKLĐ,…ngay tại ngôi trường thuộc Bộ Công Thương?
Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội. Theo đó, ông Nguyễn Nam Dương – Trưởng phòng Quản trị cho biết, nhà trường ký hợp đồng hợp tác với Công ty Isora từ năm 2023 và mới ký lại hợp đồng vào tháng 1/2024, các hợp đồng đều có thời hạn 1 năm.
Nội dung hợp đồng là nhà trường hỗ trợ về cơ sở vật chất, Công ty Isora sử dụng mà không phải trả tiền thuê, họ tự thanh toán chi phí điện, nước. Ngược lại, Công ty sẽ hỗ trợ nhà trường tìm kiếm đầu ra cho các sinh viên, bạn nào có nhu cầu XKLĐ sẽ được hỗ trợ đi với giá ưu đãi.
Ông Dương lý giải, đó là một trong giải pháp nhà trường đưa ra để giúp sinh viên có thêm cơ hội tìm việc làm, bởi trong bối cảnh hiện nay đầu ra gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về vấn đề nhà trường có biết Công ty Isora không có giấy phép đưa người XKLĐ hay không? Ông Dương cho biết, thời điểm ký hợp đồng công ty có đầy đủ. Tuy nhiên, theo chính những tài liệu ông Dương cung cấp, lại không Giấy phép XKLĐ của Công ty này.
“Chúng tôi sẽ hỏi lại công ty. Nếu họ có sai phạm, trường sẽ chấm dứt hợp đồng ngay lập tức”, ông Dương trả lời và cho rằng, nhà trường còn thiếu kinh nghiệm về chuyện này. (Khoảng 4 tiếng sau khi trả lời phỏng vấn trực tiếp, qua điện thoại, ông Dương thông tin về việc hỏi lại Công ty Isora thì nhận được thông tin họ vẫn chưa thể cung cấp giấy phép).
Cũng phải nói thêm, khi PV đặt câu hỏi, theo hợp đồng hợp tác thì Công ty Isora đã hỗ trợ đưa bao nhiêu sinh viên đi XKLĐ? Ông Dương cho hay sẽ rà soát và thông tin lại. Sau một hồi, vị này khẳng định chưa có sinh viên nào đi.
Như vậy, từ câu trả lời của ông Dương cho thấy, trong suốt thời gian năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Công ty Isora đã được sử dụng cơ sở vật chất “miễn phí” vốn là tài sản của cơ quan nhà nước. Ngược lại, mục đích hỗ trợ sinh viên ra trường có thể tiếp cận thêm việc làm của phía nhà trường không hề đạt được.
Để làm rõ thêm những vấn đề liên quan, PV sẽ liên hệ với Bộ Công Thương, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) và tiếp tục thông tin đến độc giả.