Ngày 9/5, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) vừa có báo cáo về trường hợp nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị u bì buồng trứng phải nhưng lại phẫu thuật buồng trứng trái.
Trước đó, nữ bệnh nhân N.T.M.L. (36 tuổi, ngụ xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) đến bệnh viện BVĐK tỉnh Quảng Nam thăm khám và được chẩn đoán bị “u bì buồng trứng phải”.
Ngày 23/4, nữ bệnh nhân được làm phẫu thuật và xuất viện ra về ngày 29/4.
Đến chiều 2/5, chị này đến nhận hồ sơ ra viện thì phát hiện giấy ra viện ghi "phẫu thuật nội soi bóc u nang bì buồng trứng trái", không phải buồng trứng phải như chẩn đoán ban đầu.
Liên quan đến vụ việc này, theo báo cáo của ông Nguyễn Tam Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, gửi Sở Y tế, sáng 22/4, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân bị u buồng trứng.
Sau khi tiến hành xét nghiệm, siêu âm, khoảng 16h15 cùng ngày, các bác sĩ hội chẩn phẫu thuật với chẩn đoán trước phẫu thuật bệnh nhân bị u bì buồng trứng phải. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, các bác sĩ lại chẩn đoán bệnh nhân bị u bì buồng trứng trái.
"Dựa vào kết quả siêu âm, chẩn đoán khi hội chẩn: U bì buồng trứng phải, nhưng khi phẫu thuật, phẫu thuật viên nội soi thám sát ổ bụng phát hiện u bì buồng trứng trái. Phẫu thuật viên tiến hành bóc u và gửi bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh đúng quy định. Tại thời điểm trong mổ, phẫu thuật viên có thám sát buồng trứng phải qua nội soi ổ bụng nhưng không thấy khối u ở buồng trứng phải như ghi nhận trong bản tường trình phẫu thuật", Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông tin.
Cũng theo báo cáo này, việc chẩn đoán vị trí khối u bình thường trên siêu âm trước mổ thường không thể chính xác tuyệt đối. Vấn đề này, bệnh viện nhận định, kết quả siêu âm chỉ giúp định hướng chẩn đoán, nên việc nội soi thám sát ổ bụng phát hiện u bì buồng trứng trái giúp chẩn đoán xác định, đã thể hiện rõ ở phiếu tường trình phẫu thuật và kết quả giải phẫu bệnh.
Ông Nguyễn Tam Thăng có kết luận: “Khoa Phụ sản chưa tuân thủ quy trình phẫu thuật, khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ phải tư vấn cho người bệnh và người nhà của người bệnh.
Đánh giá tổn thương trong mổ còn hạn chế. Công tác tư vấn cho người bệnh và người nhà của người bệnh chưa tốt, nhất là khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ, sau phẫu thuật và khi ra viện, làm cho người bệnh hoang mang, lo lắng và thắc mắc.
Lãnh đạo Khoa Phụ sản, phẫu thuật viên và các cá nhân có liên quan nhận thấy còn thiếu sót nên cần phải trực tiếp xin lỗi người bệnh. Hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện sẽ tổ chức họp xem xét, đánh giá và xử lý theo quy định”.