Cần có biện pháp quản lý Nhà nước hiệu quả với đồ uống có đường

27/12/2024 08:58

Ngày 15/11, tại Tọa đàm do Bộ Y tế tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách đã nhận định cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Chỉ tính riêng về nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất), trung bình người Việt Nam tiêu thụ 35,31 lít/năm (năm 2013) và 52,09 lít (đến 2020).

Tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng từ 1,59 tỷ lít (năm 2009) lên 6,67 tỷ lít (năm 2023). Tính trung bình, một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 gram đường tự do/ngày, trong khi khuyến cáo của WHO là dưới 25 gram/ngày). Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo lứa tuổi từ 2-18 chỉ nên hạn chế dưới 25 gram đường/ngày, nhưng tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 33,9% (số liệu năm 2009).

Chú thích ảnh Tọa đàm do Bộ Y tế tổ chức, nhằm cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe người dân.

Tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan tới chế độ ăn. Các căn bệnh liên quan tới sử dụng thường xuyên đồ uống có đường là: Sâu răng, tiểu đường tuýp 2, thừa cân béo phì, tim mạch, thận, rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm khớp…

Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 tăng nhanh: Tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành tăng gần gấp đôi (từ 4,1% năm 2015 lên 7,1% năm 2021). Năm 2020, số trẻ 5 tuổi bị thừa cân béo phì là 11,1%; người từ 5-19 tuổi là 19%; người trường thành là 19,6%. Gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam với hai căn bệnh này khá lớn: Năm 2015 có khoảng 1,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo 2040 sẽ tăng gấp đôi.

Trước các nguy cơ với sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam, cần có biện pháp quản lý Nhà nước hiệu quả, cụ thể là áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, nhằm giảm sử dụng nước ngọt.

“Với những bằng chứng rõ ràng về tác động tới sức khỏe con người, xét tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng quá mạnh tại Việt Nam và trong bối cảnh đa số quốc gia đã áp thuế với đồ uống có đường, hiện tại là thời điểm thích hợp để đề xuất áp thuế với đồ uống có đường như một biện pháp y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam”, Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới) khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Cần có biện pháp quản lý Nhà nước hiệu quả với đồ uống có đường" tại chuyên mục SỨC KHỎE. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).