ĐHĐCĐ Thép Nam Kim (NKG): Kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, huy động vốn để xây dựng nhà máy mới

27/04/2024 13:37

Trong kế hoạch, Công ty sẽ phát hành tối đa 187 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên thành 4.500 tỷ đồng.

Sáng ngày 26/4/2024, CTCP Thép Nam Kim (mã ck: NKG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng gần 13% và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137% so với thực hiện trong năm 2023. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 1 triệu tấn, tăng 16%.

Mở đầu Đại hội, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim chia sẻ, năm 2023 là năm trầm lắng của nền kinh tế, lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chứng minh nội lực khi lạm phát thấp, giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ lãi suất điều hành, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, riêng đối với ngành tôn mạ cũng không phải ngoại lệ khi trong quý I/2023 vẫn là gam màu xám, sau đó dần hồi phục từ thị trường xuất khẩu và đầu tư công thúc đẩy nhu cầu hồi phục.

“Bước sang năm 2024, đây sẽ là năm bản lề để Thép Nam Kim tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ khi mà Công ty quyết định đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng”, ông Hồ Minh Quang nhấn mạnh.

Được biết, dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư 30% (1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (3.150 tỷ đồng); dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm.

Nhận định về thị trường năm 2024, Thép Nam Kim cho biết ngành thép tiếp tục hồi phục nhưng mức tăng vẫn sẽ rất khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì nền lãi suất cao. Với thị trường nội địa, sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ, Công ty dự báo con đường phục hồi của Công ty trong năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thép Nam Kim cũng đang trong quá trình nghiên cứu các sản phẩm mạ màu và hợp kim, hướng tới các dòng sản phẩm có thể phục vụ cho sản xuất đồ gia dụng, chi tiết máy, cơ khí chính xác, phục vụ cả cho các nhà máy hiện hữu và chiến lược xây dựng nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ trong tương lai.

Kế hoạch tăng vốn trong năm 2024

Chia sẻ tại Đại hội, ban lãnh đạo cho biết doanh thu quý 1/2024 đạt 5.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ. Con số này đã cải thiện do với doanh thu 4.380 tỷ đồng và lỗ trước thuế hơn 49 tỷ của quý 1/2023.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Công ty sẽ không trả cổ tức cho năm 2023 và 2024, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Thép Nam Kim có kế hoạch phát hành 2,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng 0,95% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Song song đó là thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20% tương đương với phát hành gần 52,7 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, Thép Nam Kim có kế hoạch chào bán hơn 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cp. Số tiền huy động dự kiến là 1.579,7 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.

Như vậy, thông qua các phương án, Công ty sẽ phát hành tối đa 187 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên thành 4.500 tỷ đồng.

Chủ tịch TT Capital ứng cử Thành viên HĐQT

ĐHĐCĐ Thép Nam Kim (NKG): Kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, huy động vốn để xây dựng nhà máy mới - Ảnh 1

Đáng chú ý, Đại hội lần này đã tiến hành bầu cử bổ sung Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó ông Nguyễn Trung Tín (sinh năm 1979) được bầu vào HĐQT, còn ông Đặng Văn Hoà (sinh năm 1990) tham gia vào Ban kiểm soát.

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Trung Tín đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư TT Capital, đồng thời là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Lộc Khang. Trước đó, ông Nguyễn Trung Tín từng 10 năm gắn bó với CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX). Ông Tín cũng từng là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (2012-2021).

Thảo luận tại Đại hội

1. Việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng bao nhiêu?

Chủ tịch Hồ Minh Quang: Tỷ trọng nhập nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 20 - 25%, do đó nguồn nguyên liệu không phụ thuộc hoàn toàn vào các quốc gia này.

2. Dự báo giá bán thời gian tới như thế nào? Nhà máy mới triển khai bao lâu thì hoạt động 100% công suất?

Về giá bán, giá này tuỳ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào. Công ty xuất khẩu sang EU và Bắc Mỹ với tỷ trọng tương đối lớn và sẽ tiếp tục duy trì thị trường này. Do đó vấn đề tỷ giá không tác động nhiều đến Công ty, thậm chí là còn có lợi cho Thép Nam Kim khi tỷ giá tăng. Dù vậy, về lâu dài Công ty sẽ tính toán phân bổ rủi ro về chênh lệch giá đồng USD/VND.

Dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ hiện đã có giấy phép. Theo thiết kế, dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư 30% (1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (3.150 tỷ đồng). Dự án sẽ có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng. Công ty đã góp 500 tỷ để thực hiện dự án, dự kiến khởi công trong quý 2. Dự kiến quý 4/2025 – quý 1/2026 sẽ bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027.

Sản phẩm mới mang tính chiến lược, khác với thị trường tạo chất lượng cao hơn. Dự kiến khi nhà máy mới đi vào hoạt động, tổng công suất sản xuất sẽ được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm.

3. Tiềm năng và vị thế của Thép Nam Kim khi có nhà máy mới sẽ ra sao?

Chủ tịch Hồ Minh Quang: Hiện tại riêng ngành mạ, Thép Nam Kim vẫn đang đứng đầu. Công ty xây nhà máy mới không định hướng mở rộng thị phần mà phục vụ chất lượng tốt hơn cho người dùng, tạo giá trị gia tăng.

Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ: Việc đầu tư vào nhà máy mới là cách Thép Nam Kim tập trung đi theo chuỗi giá trị ngành, chúng tôi vẫn còn thấy dư địa tham gia cả trong nước và xuất khẩu.

Thực tế Công ty sẽ chọn công nghệ, tính toán cơ cấu, và sản phẩm đầu ra sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ, ngành hành điện gia dụng, và cả một số linh kiện phụ kiện cho xe hơi.

Hiện tại, các doanh nghiệp tôn mạ hiện nay chỉ đầu tư vào sản phẩm ứng dụng cho ngành xây dựng. Trong khi Thép Nam Kim hướng đến sản phẩm tôn mạ mới và phân khúc này theo tôi đánh giá trong nước chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp nước ngoài đi theo hướng này.

4. Ước tính kết quả kinh doanh quý 1?

Chủ tịch Hồ Minh Quang: Doanh thu quý 1/2024 đạt 5.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ. Con số này đã cải thiện do với doanh thu 4.380 tỷ đồng và lỗ trước thuế hơn 49 tỷ của quý 1/2023.

Nói thêm về sản lượng bán hàng, ông Võ Hoàng Vũ cho biết thêm trong quý Công ty đã bán được 250.000 tấn. Sang quý 2, sản lượng bán hàng dự kiến sẽ tăng thêm 10% (tức khoảng 275.000 tấn). Năm 2024, Thép Nam Kim dự định bán ra 1 triệu tấn thép các loại.

5. Công ty nghĩ gì về việc tăng vốn sẽ làm EPS và ROE thấp?

Ông Võ Hoàng Vũ: Công ty tăng vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư, đem lại kết quả lợi nhuận tương ứng. Theo quy định, nếu phát hành không đạt tỷ lệ thành công 70% thì phải hủy kết quả. Do vậy, HĐQT đã trình cổ đông trong trường hợp không phát hành hết sẽ ủy quyền cho HĐQT tìm cách phân phối lại để đảm bảo phương án thành công.

6. Thép Nam Kim có tham gia vào lĩnh vực đầu tư công như đường xá, cao tốc hay sân bay Long Thành không?

Ông Võ Hoàng Vũ: Sản phẩm của công ty là tôn mạ đặc thù nên tham gia rất ít tại các dự án đường xá cao tốc. Riêng đối với dự án sân bay Long Thành, chúng tôi một trong những nhà thầu được đưa vào danh sách dự thầu cung cấp các sản phẩm kẽm và dự kiến sẽ tham gia với tỷ lệ đáng kể.

Bạn đang đọc bài viết "ĐHĐCĐ Thép Nam Kim (NKG): Kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, huy động vốn để xây dựng nhà máy mới" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email ([email protected]).