Theo Người Lao Động, vừa qua, lãnh đạo UBND xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) xác nhận trên địa bàn xã này vừa có 2 người bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong do đi ngoài đường dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Hai nạn nhân là ông N.H.O. (80 tuổi) và ông N.H.T. (70 tuổi), đều ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.
Những ngày qua nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.
Liên quan đến tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng, TS.BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sốc nhiệt có thể được chia thành 2 loại gồm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.
Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức.
Theo bác sĩ Hải, sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.
Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong.
Thông tin trên báo Đầu Tư, PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.
Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, người dân nếu phải ở lâu ngoài trời, cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Mỗi người dân phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Quốc Tiệp (t/h)