Ông Su 55 tuổi ở Trung Quốc có thói quen ăn các món muối chua như dưa chua, cua muối… Gần đây, ông liên tục bị tiêu chảy.
Tình trạng này kéo dài suốt 1 tháng nên ông đã đến bệnh viện để nội soi dạ dày. Kết quả cho thấy, ông bị tổn thương dạng lõm thể dạ dày.
Qua nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện một tổn thương rõ ràng ở thành sau phần trên thân dạ dày của ông Su và 2 tổn thương ở đoạn ngực của thực quản.
Ngoài 3 tổn thương này, họ còn phát hiện thêm nhiều tổn thương ở phần cong lớn của thực quản, hang vị dạ dày và thực quản gần tâm vị. Một tổn thương rất khó thấy.
Bác sĩ Ji Feng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Chiết Giang ban đầu đánh giá 5 tổn thương trên đều là tổn thương sớm và có thể điều trị bằng cách thực hiện bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) từng cái một. 2 ngày sau ca phẫu thuật, ông Su đã dần hồi phục vì may mắn phát hiện sớm và điều trị thành công.
Dưa cải hay cà muối được nhiều người ưa chuộng, là món ăn kèm đưa cơm, chế biến bằng cách tạo ra môi trường muối để lên men bởi các vi sinh vật.
Khi muối chua, thành phần dinh dưỡng trong rau cải, cà được biến đổi tạo hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn, giảm thiểu các chất dinh dưỡng khó tiêu hoặc có hại với cơ thể như solanin (trong cà xanh).
Thói quen ăn món ăn này khi vẫn còn vị hăng, cay, chưa được lên men kỹ là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư. Bởi, trong dưa cà muối xổi hàm lượng nitrat chuyển thành nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm thường ăn như thịt, tôm cá, nhất là mắm tôm và chuyển thành nitrosamin – một chất có khả năng gây ung thư dạ dày.
Trong quá trình chế biến nếu không bảo quản kỹ và để lên men quá lâu sẽ rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, hàm lượng muối lớn có trong món ăn này cũng không tốt cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quá trình muối dưa sẽ diễn ra phản ứng biến đổi nitrat (chất tồn dư trong rau, củ do được bón phân urê hoặc do hút từ đất có nitrat cao) thành nitrit.
Trong 2-3 ngày đầu khi mới muối, hàm lượng nitrit tăng lên, sau đó giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng.
Nitrit vào cơ thể tác dụng với các axit amin, tạo thành hợp chất nitrozamin, nguy cơ gây ung thư. Do đó, để tốt cho sức khỏe, bạn không nên ăn dưa mới muối.
Lưu ý, các loại dưa cải, cà thường được muối mặn, không phù hợp với người bị tăng huyết áp, bị bệnh về thận. Ngoài ra, trong bữa ăn hằng ngày, người khỏe mạnh chỉ ăn khoảng 5mg muối/ngày nên lượng dưa, cà muối tốt nhất chỉ 50-100g/ngày.
Tuyệt đối không ăn dưa cải, cà muối lên váng mốc trắng, vàng, đen có thể chứa nấm aspergilus flavor, nấm này sinh ra aflatoxin là yếu tố gây ung thư gan. Tốt nhất chúng ta không nên ăn.
Quỳnh Chi (t/h Theo Tri Thức &Cuộc Sống, VTC News)