Nhà Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024, trong đó doanh thu bán hàng sụt giảm thẳng đứng, với chỉ 14,5 tỷ đồng, giảm đến 93,3% so với mức 215,2 tỷ đồng ở quý I/2023. Tuy nhiên, doanh thu tài chính trở thành bệ đỡ khi tăng đến hơn 300%, đạt mức 29,2 tỷ đồng (quý I/2023 chỉ đạt 9,7 tỷ đồng).
Công ty ghi nhận lợi nhuận thuần ở mức 33,5 tỷ đồng, chỉ bằng 26,4% cùng kỳ, và khép lại quý I/2024 với lãi ròng 32,4 tỷ đồng, giảm 69,5% so với cùng kỳ.
Thuyết minh về kết quả kinh doanh, NDN cho biết, doanh thu giảm do giảm mạnh doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Ngược lại, doanh thu tài chính tăng do ghi lãi đầu tư chứng khoán 27,74 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ lãi 14,2 triệu đồng.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý I/2024 giảm thẳng đứng so với cùng kỳ, tuy nhiên nếu đối chiếu với kế hoạch năm, NDN vẫn đang gặt hái những kết quả vượt xa kỳ vọng.
Doanh thu mảng bất động sản của Nhà Đà Nẵng đang 'lép vế' so với doanh thu tài chính, cụ thể là từ hoạt động đầu tư chứng khoán |
Cụ thể, theo tài liệu ĐHCĐ thường niên vừa công bố, Nhà Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 vỏn vẹn 74,7 tỷ đồng, tức chưa bằng 15% tổng doanh thu đạt được năm 2023 (497,2 tỷ đồng). Về lợi nhuận, năm 2024 Công ty cũng chỉ dè dặt ở mức 61 tỷ đồng, bằng 28,5% mức lãi ghi nhận trong năm 2023.
Với kết quả kinh doanh quý I/2024 như trên, Nhà Đà Nẵng đã thực hiện được 58,5% doanh thu và 53,1% lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.
Có thể thấy, doanh tài chính đang chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của ông lớn bất động sản Đà Nẵng. Điều này được xem là ‘quả ngọt’ trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Đà Nẵng và miền Trung vẫn khá ảm đạm. Với riêng NDN, khi dư địa về doanh thu và lợi nhuận ở dự án Monarchy đang dần thu hẹp và vẫn chưa triển khai dự án nào mới, nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính đang ‘gồng gánh’ doanh thu và lợi nhuận cho Công ty.
Mang 30% tài sản đổ vào thị trường chứng khoán
Tại 31/3/2024, quy mô tài sản của Nhà Đà Nẵng giảm nhẹ 1,5% so với đầu năm, về 1.304,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 771,3 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 138,7 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 122,7 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Đáng chú ý, tại 31/3/2024, tổng giá trị đầu tư chứng khoán của NDN có giảm 9,2% so với đầu năm (giảm 39,9 tỷ đồng) nhưng vẫn đang ở mức 393,7 tỷ đồng, chiếm tới 30,2% tổng tài sản. Các mã chứng khoán được NDN chọn mặt gửi vàng gồm STB (52,1 tỷ đồng), HPG (46,2 tỷ đồng), DGC (21,6 tỷ đồng), MWG (17,6 tỷ đồng), QTP (8,7 tỷ đồng).
Như vậy, nếu xét vào danh mục đầu tư, Nhà Đà Nẵng đã giảm quy mô đầu tư vào các cổ phiếu DGC, HPG, MWG, STB trong quý đầu năm 2024, ngược lại thì tăng đầu tư vào các cổ phiếu khác nhưng không thuyết minh cụ thể.
Các mã cổ phiếu đang được Nhà Đà Nẵng 'chọn mặt gửi vàng' |
Theo tài liệu ĐHCĐ 2024, Nhà Đà Nẵng xác định tâm thế thận trọng trong hoạt động đầu tư ở năm 2024, đặc biệt là về mảng chứng khoán. Theo đó, Nhà Đà Nẵng ưu tiên trong kế hoạch 2024 là bảo vệ thành quả danh mục đầu tư đã có, ưu tiên đầu tư cổ phiếu có chỉ số Beta thấp, cổ phiếu ít bị biến động bởi thị trường và có triển vọng cao. Doanh nghiệp này cho rằng, Công ty đã tái cơ cấu thành công hơn 70% danh mục đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư đều mang về lợi nhuận tích cực.
Sự thận trọng cũng bao trùm lĩnh vực đầu tư bất động sản, khi Công ty tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, hoặc mua lại quỹ đất từ các đối tác bất động sản uy tín, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị cho chiến lược trung và dài hạn của công ty. Ngoài ra, Công ty sẽ thực hiện các thủ tục xin phép và cấp phép cho dự án tại số 13 Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng.