Ngày 16/4, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, năm 2023, Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khi tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, gắn với những diễn biến căng thẳng của các xung đột địa chính trị.
Thị trường tàu hàng khô diễn biến không thuận lợi, chỉ số vận tải tàu hàng rời (BDI) có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020). Thị trường vận tải container chứng kiến sự suy giảm rất mạnh trong năm 2023, thậm chí có thời điểm giảm tới trên 60% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với hệ thống cảng biển của VIMC, áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt rất cao trong chính sách giá, có lợi thế tuyệt đối trong công tác phát triển thị trường, tiếp thị khách hàng.
Các doanh nghiệp dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn, các dịch vụ truyền thống ngày càng mai một, cơ sở hạ tầng, kho bãi không còn nằm ở các vị trí thuận lợi, năng lực cạnh tranh thấp.
Trong đó, VIMC đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đồng năm 2023 phê duyệt như sau: Sản lượng: 5,6 triệu tấn (đạt 137% kế hoạch); doanh thu: 2.067 tỷ đồng ( đạt 102% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế: 357 tỷ đồng (đạt 115% kế hoạch); lợi nhuận hợp nhất VIMC năm 2023 đạt 2.126 tỷ đồng.
Thực hiện kế hoạch đầu tư, thoái vốn năm 2023 đã được ĐHĐCĐ thông qua, sau khi đủ điều kiện thực hiện theo Nghị quyết số 129/NQ-ĐHĐCĐ, VIMC đã đẩy nhanh công tác đầu tư, thoái, giảm vốn tại các doanh nghiệp, cụ thể đã góp vốn đầu tư thành lập VIMC Lines: Hoàn thành phương án thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC và thực hiện các thủ tục thành lập Công ty, VIMC Lines sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2024. Thoái vốn tại Sesco, SHC: Đã hoàn thành thoái vốn tại Sesco trong tháng 02/2024. Dự kiến tiếp tục thực hiện đấu giá SHC trong quý II/2024.
Kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 của VIMC đề ra kế hoạch hợp nhất với: Sản lượng vận tải biển: 15,9 triệu tấn (76% so với năm 2023), sản lượng năm 2024 của hầu hết các đơn vị đều dự kiến giảm do thị trường vận tải biển năm 2024 vẫn còn rất khó khăn như các nhận định thị trường đã nêu, ngoài ra các đơn vị có kế hoạch thanh lý các tàu già, khai thác kém hiệu quả, tình trạng kỹ thuật kém. Sản lượng hàng thông qua cảng: 123,6 triệu tấn (108% so với năm 2023); doanh thu hợp nhất: 13.447 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế: 2.736 tỷ đồng.
Theo Chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, Tổng công ty đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ, …; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, …), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của VIMC.
Nhằm thực hiện được những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, VIMC quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng.
Chú trọng công tác thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực nhằm xây dựng được đội ngũ có tâm-tài-đức cho VIMC và các doanh nghiệp thành viên. Xây dựng cơ chế tạo động lực cho người lao động để có nhiệt huyết, cống hiến cho tổ chức.
Ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm: phát triển đội tàu container, cảng biển, các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số & công nghệ thông tin. Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án bến 3-4 Cảng Lạch Huyện. Đặc biệt, tập trung nguồn lực cao nhất cho việc triển khai dự án trọng điểm Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ứng dụng mạnh mẽ các công cụ quản trị mới. Chuyển cách điều hành doanh nghiệp từ trạng thái quản lý, quản trị doanh nghiệp sang 'chỉ huy doanh nghiệp', bảo đảm tính tuân thủ của 1 hệ thống.
Nắm rõ đặc thù, thực tiễn của từng đơn vị để chỉ đạo các nhiệm vụ, giao KPI cho phù hợp. Triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc thực thi các nhiệm vụ, các KPI đảm bảo dược thực hiện theo các hành đọng cốt lõi đã được mô tả trong biểu đồ BSC KPI đã được duyệt
Từng bước chuyển đổi xanh, phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại bảo đảm đáp ứng với các quy định, tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Minh Ngọc