Khai thác bệnh sử, chiều 29/3, sau khi đi học về, bệnh nhi này có triệu chứng sốt cao được người nhà cho uống thuốc hạ sốt. Tối cùng ngày, tình trạng sốt tái phát, kèm theo nổi ban ửng đỏ toàn thân.
Bệnh nhi được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng sốt cao, nổi ban xung huyết vùng cánh tay hai bên, lưng, bụng, xuất huyết dưới da chưa rõ nguyên nhân kèm theo viêm họng. Một ngày sau, tình trạng bệnh nhi không tiến triển nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tiếp tục điều trị.
Ngày 2/4, bệnh nhi được lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm PCR, kết quả nhiễm vi khuẩn não mô cầu Neisseria Meningitidis. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi đã được cách ly điều trị và bệnh viện cũng thông báo về cho địa phương. Sau khi điều trị theo phác đồ, hiện tình trạng bệnh nhi đã cải thiện hơn.
Để tránh lây lan dịch não mô cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh đã giám sát trường mầm non nơi bệnh nhi theo học để điều tra, xử lý.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như doanh trại, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ, nhà máy, công sở…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, khác với các bệnh mạn tính có thời gian tiến triển dài, viêm màng não mô cầu có thể khởi phát rất đột ngột với các triệu chứng như sốt, xuất hiện ban đỏ hay còn gọi là tử ban, sau đó lan ra nhanh chóng, lúc này tính mạng của người bệnh chỉ còn tính bằng giờ. Do đó, viêm màng não mô cầu còn được gọi là “bệnh tử 24 giờ”, tức người bệnh có thể tử vong trước cả 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện các nhóm huyết thanh gây bệnh viêm màng não mô cầu phổ biến ở Việt Nam gồm A, B, C, Y, W-135 đã có vaccine phòng ngừa; trong đó, vaccine não mô cầu B thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, giúp phòng ngừa sớm và hiệu quả trên nhóm B cao hơn.
Trước những lo lắng của người dân thiếu các vaccine phòng bệnh não mô cầu, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khẳng định, hệ thống tiêm chủng VNVC nỗ lực cung ứng đầy đủ các loại vaccine phòng vi khuẩn não mô cầu nguy hiểm A, B, C, Y, W-135 khi dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp. Hiện tại, các trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước không thiếu vaccine phòng bệnh não mô cầu cho trẻ em và người lớn.
“Hiện VNVC đã có vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới Bexsero và có đầy đủ cả 3 loại vaccine phòng tất cả các nhóm não mô cầu nguy hiểm, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em và người lớn ở cả dịch vụ tiêm lẻ vaccine hoặc tiêm trọn gói vaccine với chi phí ưu đãi, không tăng giá khi khan hiếm”, bác sĩ Bạch Thị Chính nói.
Bác sĩ Chính lưu ý, các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên, không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm 1 loại này mà bỏ qua 1 loại khác.
Những ngày qua, cả nước ghi nhận nhiều dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp như ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… Các chuyên gia y tế nhận định, thời tiết thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, cần chủ động phòng ngừa để tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, ngoài vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu, người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh về não khác như vaccine phế cầu, sởi, thuỷ đậu… tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc sức khỏe suy yếu, dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay.