Thời điểm này, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào tiểu học đã bắt đầu chuẩn bị kiến thức cho con ở các lớp "tiền lớp 1".
Với mong muốn giúp con không bị bỡ ngỡ, tự tin khi thay đổi môi trường học tập, sợ lớp học quá đông trong khi thời lượng học không nhiều trẻ sẽ không theo kịp. Nhiều phụ huynh đã nhanh chóng tìm đến các trung tâm, thậm chí là thuê gia sư để mong các con bằng bạn bằng bè.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá qua trải nghiệm nhiều năm làm giáo dục bà nhận thấy phụ huynh có rất nhiều lo lắng về việc học của con mình, dù mới vào lớp 1.
“Tuy lo lắng nhiều, nhưng hành động đúng thì không nhiều, có lẽ vì thế, các lớp phụ huynh càng thêm nhiều nỗi lo”, bà Chu Cẩm Thơ chia sẻ.
Chuyên gia nhận thấy nhiều trường hợp cho con đi tuyển sinh vào trường nào, thì cha mẹ phải đi tìm cô giáo, tìm lò để dạy tiền tiểu học ở trường đó. Và cũng không khó để bắt gặp những em mới chỉ 5 tuổi đi học viết, học toán 3 nơi trong 1 ngày chủ nhật, lại học tiếng Anh trong tuần vào buổi tối.
Mặc dù ôn luyện ngày đêm, những nhiều em vẫn có kết quả không như kỳ vọng của cha mẹ. Lý giải điều này bà Thơ cho rằng việc “trượt” không phải con không hiểu biết, việc đáp ứng nhưng tiêu chí xét tuyển của một số trường tiểu học hiện nay phải là cả quá trình, do thói quen, nhờ trải nghiệm và đảm bảo những điều kiện sẵn sàng cho việc học tập, rèn luyện ở trường tiểu học của chính các em chứ không phải do luyện thi mà thành.
Để giải quyết những lo lắng của cha mẹ khi có con ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, bà Chu Cẩm Thơ đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh không nên quá lo âu bởi sẽ rất dễ truyền nỗi sợ hãi cho các con. Thay vào đó, cần phải hiểu tâm sinh lý, nhu cầu lứa tuổi của các em”.
Chuyên gia cho biết “Đối với các bạn giai đoạn mẫu giáo lớn, chuẩn bị học lớp 1 thì quan trọng nhất là cùng con chuẩn bị sức khoẻ, thói quen tốt. Trong đó, thói quen tốt sẽ biểu hiện ở nền nếp, ở sự sẵn sàng hoà nhập".
"Trẻ cần làm quen với môi trường học tập, cần tuân thủ một số kỷ luật nơi tập thể, giao tiếp với giáo viên, bạn bè và tất nhiên cả kỹ năng tư duy như quan sát, tưởng tượng, biểu đạt với người khác, biết bày tỏ những suy nghĩ, biết tìm người cùng các em, giúp các em hiểu thêm về thế giới xung quanh”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.
Cùng với đó, là tạo cho học sinh biết niềm vui khi đi học, niềm vui khám phá thế giới xung quanh, được chạy nhảy, vui học, học mà không áp lực vì vui như đang chơi.
Là giáo viên luyện chữ đẹp lâu năm, ông Dương Thanh Tuấn – Giáo viên luyện chữ đẹp tại Hà Nội cho biết trước mỗi năm học mới nhu cầu cho học sinh 5-6 tuổi đi học chữ của phụ huynh là rất lớn. Lý giải nguyên nhân thì thầy giáo cho rằng trước khoảng 4-5 tháng khi đi học chính thức là thời điểm vàng cho các con làm quen với mặt chữ, nét chữ.
“Cũng không nên quan niệm cứ học trước là xấu, quan trọng là tuỳ vào mức độ, phương pháp truyền tải kiến thức cho các con. Đối với học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 có thể cho tìm hiểu với các nét chữ cơ bản đầu tiên”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, ông Dương Thanh Tuấn cũng cho rằng cha mẹ phải hiểu tâm lý con trẻ có phương pháp sư phạm phù hợp vì phần lớn hiệ nay gia đình chỉ dạy theo thói quen và kiến thức đã được học trước kia mà không căn cứ và lứa tuổi, giới tính, trình độ của các em.
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường công lập trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định và sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trên toàn thành phố.
Thời gian tuyển sinh theo hình thức trực tuyến như sau: Tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 1/7 đến hết ngày 3/7; Tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ 4/7 đến hết ngày 6/7; Tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7. Các trường tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp từ ngày 13/7 đến hết ngày 18/7.