Chương trình có sự tham gia của 12 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTT&DL: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật-trang trí Đồng Nai, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam.
Tại ngày hội, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch giới thiệu và quảng bá thế mạnh, uy tín, chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch; cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí. Học sinh, sinh viên được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý; mở rộng cơ hội, lựa chọn về nghề nghiệp, định hướng sau khi tốt nghiệp.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu bối cảnh, tình hình mới, Bộ VHTT&DL đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch trong và ngoài nước, tiêu biểu như các đề án: "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đến năm 2020, tầm nhìn 2030", "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", "Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030", "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030" đã và đang được tổ chức triển khai thực hiện để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu đã đặt ra.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, hiện nay Bộ VHTT&DL có 26 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, 2 viện nghiên cứu tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đã từng bước góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch…
Trong những năm gần đây lực lượng tham gia vào quá trình phát triển văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mục tiêu cũng như là những đòi hỏi của thực tiễn để phát triển đúng với tiềm năng thế mạnh hiện có. Việc khai thác phát huy thế mạnh tối đa thế mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 do Bộ VHTT&DL tổ chức là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn, rất thiết thực đối với công tác tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Với mục tiêu tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, uy tín, chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.
"Đây cũng là dịp để các cơ sở đào tạo cùng tập trung tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí; mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh, sinh viên", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn, Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 sẽ trở thành một hoạt động thường niên nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành VHTTDL, đặc biệt là các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng; thúc đẩy sự tăng trưởng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong tương lai; phát huy vai trò, tầm quan trọng của các ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đối với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nước.
Diệp Anh