Hôm nay (4/5), Tập đoàn Phenikaa cùng các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn Phenikaa trong tổ chức hội thảo quốc tế với quy mô lớn, lựa chọn chủ đề thời sự.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay.
Từ các hệ thống dân dụng như hệ thống năng lượng, giao thông, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa đến các hệ thống quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.
“Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; là tiền đề, là động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Cũng tại buổi lễ, PGS.TS Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa nhận định bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.
Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.
“Chúng tôi nhận thức rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ”, PGS.TS Hồ Xuân Năng phát biểu.
Theo ông Hồ Xuân Năng việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.
Trong khuôn khổ chương trình các chuyên gia cũng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới…
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...
Tại hội thảo, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam, đó là thành lập Liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) và giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa.
Hội thảo cũng đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Phenikaa với trường đại học danh tiếng như Arizona State University - Hoa Kỳ, các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding…, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.